Muốn theo đuổi lĩnh vực xuất nhập khẩu theo học trường nào tốt nhất?
Muốn theo đuổi lĩnh vực xuất nhập khẩu nên đăng ký vào trường nào đang là mối quan tâm chung của nhiều thí sinh trước mỗi mùa tuyển sinh.
Xuất nhập khẩu là những hoạt động diễn ra trong quá trình mua bán hàng hóa giữa thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài. Đây là hoạt động nền tảng cơ bản của lĩnh vực ngoại thương, có mối tương quan mật thiết với nhiều lĩnh vực khác cũng như đóng vai trò cầu nối trong hoạt động kinh tế của các nước trên thế giới.
Nếu muốn theo đuổi lĩnh vực xuất nhập khẩu, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh và chất lượng đào tạo của một số trường dưới đây.
Trường Đại học Ngoại thương
Trường Đại học Ngoại thương hiện tại, trường đang đào tạo 5 nhóm ngành kinh tế liên quan đến xuất nhập khẩu: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế và Luật.
Trường tuyển sinh theo 5 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét tuyển thẳng.
Năm nay, điểm chuẩn của 5 nhóm ngành đào tạo về lĩnh vực xuất nhập khẩu của trường Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội dao động từ 26,9 - 28,3 điểm, với 7 tổ hợp môn xét tuyển A01; D01; D02; D03; D04; D06; D07. Trong đó, ngành Luật có điểm chuẩn thấp nhất và cao nhất là ngành Kinh tế.
Học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 trường Đại học Ngoại thương quy định đối với chương trình đại trà là 25 triệu đồng; học phí với chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu; chương trình tiên tiến 60 - 70 triệu đồng.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo đa ngành, đa bậc học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhóm ngành kinh tế - xã hội của nước ta. Nếu muốn theo đuổi lĩnh vực xuất nhập khẩu, thí sinh có thể lựa chọn theo học các ngành sau: Kinh doanh quốc tế & Logistics, Kinh tế vận tải biển, Quản lý hàng hải, Logistics & chuỗi cung ứng lấy, Kinh tế Hàng hải.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp; xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT; xét tuyển thẳng.
Với phương thức tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm nay điểm chuẩn của ngành Kinh doanh quốc tế & Logistics lấy 23 điểm (A01; D01; D07; D15), Kinh tế vận tải biển lấy 24,5 điểm (A00; A01; C01; D01), Quản lý hàng hải lấy 23,5 điểm (A00; A01; C01; D01), Logistics & chuỗi cung ứng lấy 25,75 điểm (A00; A01; C01; D01), Kinh tế Hàng hải lấy 22,25 điểm (A01; D01; D07; D15).
Trường Đại học Thương mại
Trường Đại học Thương mại có ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế chuyên đào tạo về xuất nhập khẩu. Năm 2023, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành có điểm chuẩn cao nhất ở 3 phương thức xét tuyển: Xét điểm thi năng lực, tư duy (80 điểm), xét học bạ (27,5 điểm) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT (26,8 điểm).
Với phương thức xét điểm thi, hai ngành còn lại lấy mức điểm chuẩn lần lượt là: Kinh doanh quốc tế 27 điểm (A00; A01; D01; D07) và Kinh tế quốc tế 26,7 điểm (A00; A01; D01; D07)
Học phí năm học 2023 - 2024, trường Đại học Thương Mại quy định đối với chương trình chuẩn dao động 23 - 25 triệu đồng; chương trình chất lượng cao, tích hợp từ 35,2 - 40 triệu đồng; chương trình định hướng nghề nghiệp 25 triệu đồng.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng)
Hiện tại, những ngành học tại trường Đại học Kinh tế đang đào tạo chính quy về xuất nhập khẩu và logistics bao gồm: Quản trị kinh doanh (Chuyên ngành Quản trị chuỗi cung ứng), Kinh doanh quốc tế và Kinh doanh thương mại.
Trường tuyển sinh theo 5 phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường và xét theo kết quả thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM.
Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhóm ngành trên lần lượt là: Quản trị kinh doanh (Chuyên ngành Quản trị chuỗi cung ứng) lấy 24,75 điểm (A00; A01; D01; D90), Kinh doanh quốc tế 26,5 điểm (A00; A01; D01; D90) và Kinh doanh thương mại 26 điểm (A00; A01; D01; D90).
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) hiện đào tạo 2 ngành học liên quan đến xuất nhập khẩu: Kinh tế quốc tế (Chuyên ngành kinh tế đối ngoại) và Kinh doanh quốc tế.
Trường xét tuyển theo 5 phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên; xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM; xét tuyển kết hợp.
Năm 2023, ngành Kinh tế quốc tế (Chuyên ngành kinh tế đối ngoại) lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển là 26,41 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D07. Ngành Kinh doanh quốc tế lấy 26,52 điểm đối với chương trình thường và 26,09 đối với chương trình học dạy bằng tiếng Anh.
Mức học phí năm học 2023-2024 của trường dự kiến là 25,9 triệu/năm đối với chương trình đào tạo tiếng Việt và 50,9 triệu/năm đối với chương trình đào tạo tiếng Anh. Học phí các năm sau mỗi năm tăng 10-12,8%.
Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM
Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM đang đào tạo 5 ngành học liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, bao gồm: Kinh tế vận tải, Logistics và hạ tầng giao thông, Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, Quản lý cảng và logistics.
Năm 2023, trường tuyển sinh theo 5 phương thức: Xét kết quả học tập THPT; xét tuyển thẳng theo quy chế của trường; xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với phương thức xét điểm thi THPT, những ngành trên lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 17,5 đến 25,65. Trong đó, ngành Logistics và hạ tầng giao thông chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn thấp nhất và ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức chương trình đại trà lấy điểm chuẩn cao nhất.