'Mượn thuốc vật tư y tế' - Vì sao nhà cung cấp chưa được thanh toán?

Nhiều đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân, đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục.

Đại biểu Quốc hội cho rằng, có thực trạng, trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân, đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục. Do vậy, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.

Chưa thanh toán được vì vướng thủ tục

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - đoàn Bình Thuận cho biết, trên thực tế còn nhiều vấn đề đã được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã xác nhận là đúng nhưng việc giải quyết quá lâu, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Ảnh:Quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Ảnh:Quochoi.vn)

Dẫn chứng là về vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn của cả nước.

"Đây là vấn đề cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến", ông nói.

Ông cho rằng, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã nhiều lần ghi nhận và hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp và gần nhất là Công văn số 5527 ngày 30/12/2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ tư quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này.

Đại biểu cho biết thêm, có thực trạng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, do nhiều ca mắc liên tục nhanh và việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn do dãn cách xã hội, các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân, đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục.

"Mặc dù Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99 về giám sát chuyên đề này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, Chính phủ và Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu.

Vấn đề nổi cộm tại nhiều tỉnh thành

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông về các khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 chưa trả được, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn TP. Hà Nội khẳng định, đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố mà đại dịch bùng phát, không chỉ vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén…

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh:Quochoi.vn)

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh:Quochoi.vn)

Ông Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ, Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, chỉ đạo cho địa phương tự thực hiện rà soát nhưng luôn kèm theo một câu là “thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy ĐBQH cho rằng, mọi việc sẽ đứng yên một chỗ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ Y tế cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc các mặt hàng cụ thể, hay sử dụng chống dịch, các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế yên tâm, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Đã sửa đổi Nghị định 146 cách đây 1 tháng

Thông tin về tháo gỡ các vướng mắc trong giải quyết khó khăn về thiếu hụt thuốc và vật tư y tế. Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - đoàn Thái Nguyên cho biết, vừa qua, có giai đoạn thiếu hụt thuốc do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Phân tích về nguyên nhân chủ quan, đại biểu chỉ rõ có hai vấn đề đó là các nghị định, thông tư, chính sách y tế và vấn đề về cơ sở khám, chữa bệnh.

ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (Ảnh:Quochoi.vn)

ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (Ảnh:Quochoi.vn)

Theo đại biểu, các nghị định, thông tư, chính sách y tế được ban hành hết sức kịp thời; các văn bản đối với ngành y tế đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, cách đây một tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký sửa đổi Nghị định 146, cùng với nhiều nghị định, thông tư khác đã góp phần giải quết được vấn đề thuốc.

Đại biểu cho rằng, cần phải quan tâm tới vấn đề tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác đấu thầu, quản lý đấu thầu và quản lý dự án. Bởi trước đây, Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung nhưng hiện nay, ngoài các danh mục đấu thầu tập trung thì giao cho cơ sở y tế chủ động trong công tác đấu thầu và cung ứng thuốc. Tuy nhiên, khi giao cho cơ sở y tế chủ động trong việc đấu thầu thuốc thì gặp phải bất cập khi cơ sở chưa có nhân lực đủ năng lực và sự tinh tế.

Đối với bảo hiểm y tế, đại biểu nêu rõ hiện nay người dân rất bức xúc về vấn đề chuyển bảo hiểm. Đại biểu chỉ rõ, chuyển bảo hiểm có hai ý nghĩa quan trọng, đó là quản lý quỹ bảo hiểm y tế và không để người dân vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều đối với những bệnh thông thường. Theo đại biểu, cần công khai danh mục kỹ thuật mà các cơ sở y tế cấp huyện có thể thực hiện, đối với những vấn đề không làm được thì người dân được phép chuyển lên tuyến trên.

Để nâng cao công tác thuốc và vật tư y tế, đại biểu cho rằng cần nâng cao chất lượng cán bộ quản lý về công tác đấu thầu cho các cơ sở y tế; nâng cao công tác dược lâm sàng; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực quan tâm các khoản chưa thanh toán của các đơn vị. Cùng với đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm mức đóng bảo hiểm hiện nay để đảm bảo phù hợp và cân đối quỹ bảo hiểm.

Nguồn cung và chính sách đã được tháo gỡ sao vẫn thiếu?

Giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri là một trong những trọng tâm công tác luôn được Bộ quan tâm triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh:Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh:Quochoi.vn)

Về chính sách đối với cán bộ dân số, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có Nghị định số 05 năm 2023 về việc triển khai chế độ trợ cấp, ưu đãi đối với cán bộ y tế dự phòng, tuy nhiên, cán bộ làm công tác dân số không nằm trong diện triển khai của Nghị định này. Nhận được kiến nghị của cử tri về vấn đề này, Bộ đã trực tiếp cử các đoàn xuống công tác tại các địa phương để nắm bắt tình hình, có văn bản gửi UBND các tỉnh về việc rà soát thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ dân số, bởi nhiệm vụ chính của họ là làm chính sách dân số.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện chế độ chính sách của địa phương có hiện tượng nhiều nơi bố trí cán bộ dân số làm công tác khác, nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định. Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh rà soát đảm bảo đúng vị trí việc làm, đúng chức danh, trong trường hợp phải làm các nhiệm vụ y tế khác thì phải đảm bảo phụ cấp cho đội ngũ này.

Về cơ chế, chính sách, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ cảm ơn Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua đã hỗ trợ tháo gỡ về cơ chế, chính sách để bảo đảm việc mua sắm thuốc, vật tư.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay các vướng mắc về nguồn cung, cơ chế chính sách đều đã được tháo gỡ, tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc khi nhiều cán bộ ở cơ sở còn lúng túng trong việc triển khai đấu thầu, phân cấp phân quyền ở địa phương còn bất cập, chưa đảm bảo rút gọn quy trình thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian. Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để đảm bảo quản lý được nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các cơ sở, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện có 3 nơi đảm nhận việc này, trong đó Bộ Y tế đảm nhận chiếm 16-18%, còn lại đấu thầu trực tiếp tuyến tỉnh. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương kịp thời tháo gỡ cũng như hỗ trợ các địa phương để đảm bảo công tác mua sắm, đấu thầu được thuận lợi.

"Theo tìm hiểu, nhiều địa phương quy định các bệnh viện chỉ được mua sắm với giá trị dưới 100 triệu đồng, nếu cao hơn phải cấp Sở Y tế/ tỉnh"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Về vấn đề "mượn thuốc, vật tư y tế" chưa thanh toán cho nhà cung cấp, trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong quy định mua sắm đấu thầu không có hình thức mua trước, trả sau hay vay mượn. Trong đại dịch Covid-19 đây là vấn đề cấp bách nên có hình thức để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Nghị quyết số 99 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ xem xét để có giải pháp giải quyết vấn đề trên. Đây là vấn đề khó, Bộ Y tế đã phối hợp với các địa phương để báo cáo tình hình thực trạng vay mượn thuốc, vật tư y tế ( 48 Bộ và 7 tỉnh, thành phố) với giá trị vay, mượn khoảng 1.693 tỷ đồng gồm thuốc, kít test..., hiện Bộ đang phân loại để có giải pháp xử lý phù hợp báo cáo và trình Chính phủ.

"Do chưa có quy định trong luật nên Chính phủ sẽ báo cáo với Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ"- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muon-thuoc-vat-tu-y-te-vi-sao-nha-cung-cap-chua-duoc-thanh-toan-286734.html