Muốn tinh gọn bộ máy thì nhiệm vụ, thủ tục phải tinh gọn
Ngày 6-11-2024, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã ký văn bản chấn chỉnh các văn phòng đăng ký đất đai vì tùy tiện, ôm đồm việc kiểm tra hiện trạng nhà ở khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động, không những làm tăng thêm khối lượng công việc không cần thiết cho các văn phòng này mà còn gây nhiều bức xúc cho người dân.
Chưa nói đến chuyện các văn phòng đăng ký đất đai đã làm một việc sai thẩm quyền, đây là một ví dụ cho thấy một quyết định quản lý được đưa ra, dù là chỉ vỏn vẹn mấy dòng trên giấy, cũng có khi phải cần đến lực lượng nhân sự rất lớn để thực hiện.
Hiện nay, Đảng và Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thực tiễn cho thấy, để thực hiện được mục tiêu này thì trước hết phải làm “tinh gọn” chức năng và nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cũng như các loại thủ tục. Vì cơ quan quản lý nhà nước càng ôm đồm nhiều việc, thủ tục hành chính nhiều và phức tạp bao nhiêu thì bộ máy nhân sự càng phình to bấy nhiêu.
Với hướng tiếp cận trên, việc đầu tiên cần làm là định nghĩa lại chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành và các cấp địa phương để làm rõ đâu là những việc Nhà nước nhất thiết phải trực tiếp quản lý thông qua các hình thức như cấp phép, chấp thuận, phê duyệt... và những việc còn lại có thể giao cho khu vực tư nhân, Nhà nước chỉ cần quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo nguyên tắc hậu kiểm, nhất là những lĩnh vực liên quan nhiều đến kỹ thuật như phòng cháy chữa cháy, thiết kế đường sá, vỉa hè, mẫu nhà trong các khu dân cư...; hoặc các hoạt động thuần túy là giao dịch dân sự.
Chẳng hạn như việc cập nhật biến động về nhà đất, có nhất thiết Nhà nước phải đảm nhận, hay Nhà nước chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất lần đầu, còn cập nhật biến động do sang nhượng, mua bán có thể giao cho các tổ chức tư nhân, như các phòng công chứng, thực hiện.
Ngay những lĩnh vực Nhà nước phải quản lý trực tiếp, nếu được phân cấp mạnh mẽ hơn hoặc thay đổi một chút chức năng nhiệm vụ thì vẫn có thể tối ưu hóa nguồn nhân lực, qua đó giúp bộ máy thêm tinh gọn.
Ví dụ như xóa bỏ giới hạn chức năng giải quyết nhu cầu về thủ tục theo địa giới hành chính, ít nhất là trong cùng một tỉnh thành, để người dân có thể đến làm thủ tục hành chính tại bất kỳ quận huyện nào; hoặc phân cấp cho cấp phường, xã được cấp một số loại giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trong các khu dân cư hiện hữu.
Vấn đề thứ hai là nội dung của các loại thủ tục, giấy tờ cũng cần phải đơn giản, tinh gọn và rõ ràng để doanh nghiệp và người dân không phải đi lại nhiều lần và cũng để cán bộ công chức không phải xử lý đi xử lý lại một vụ việc. Chỉ nên yêu cầu những loại giấy tờ, thủ tục thực sự cần cho công tác quản lý nhà nước. Quan trọng hơn là việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ tự động trong việc tiếp nhận, thẩm định và đánh giá hồ sơ để tăng hiệu suất công việc cho cán bộ công chức.
Vấn đề sau cùng, nhưng cũng quan trọng, đó là cần “tinh gọn” các yêu cầu họp hành, học tập, báo cáo... cho các cán bộ công chức, để họ có thể dành nhiều thời gian và tâm sức hơn cho nhu cầu công việc của người dân và doanh nghiệp. Cứ thử nhìn vào lịch làm việc tuần của các sở ngành, quận huyện thì sẽ thấy đây cũng là phần việc chiếm không ít thời gian của họ.