Muốn trò kính trọng, giáo viên phải thật sự xứng đáng với vị thế người Thầy

Trò có tiền, thầy cô có kiến thức. Trò chi tiền, thầy cô dạy tận tình bằng không thì dù muốn cũng chẳng bao giờ được học.

Gần 30 năm đứng trên bục giảng cũng là chừng ấy năm trải qua những cái Tết của nhà giáo với khá nhiều chuyện vui buồn đáng nhớ. Thế nhưng đọng lại trong lòng vẫn là những lần được học trò cũ đến thăm.

Học trò thăm các thầy cô giáo (Ảnh minh họa: giaoductuyensinh.edu.vn).

Học trò thăm các thầy cô giáo (Ảnh minh họa: giaoductuyensinh.edu.vn).

Với những thầy cô giáo cấp 2 và cấp 3, được học trò cũ nhớ đến đôi khi cũng là chuyện bình thường.

Nhưng với những giáo viên tiểu học như chúng tôi, được học sinh nhớ đến lại vô cùng đặc biệt.

Cô học trò lớp 2 hơn 20 năm về trước nhưng năm nào cũng đến thăm và chúc Tết cô (Ảnh tác giả)

Cô học trò lớp 2 hơn 20 năm về trước nhưng năm nào cũng đến thăm và chúc Tết cô (Ảnh tác giả)

Là học sinh, ai cũng có những người thầy, người cô để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng để mỗi khi nhớ về quãng đời học sinh sẽ thấy vui, thấy ấm lòng.

Cũng như tôi, người thầy để lại ấn tượng nhất, người tôi luôn nhớ về, người mỗi lần về quê bản thân tôi có thể từ chối những cuộc hẹn của bạn bè nhưng nhất định phải gặp được cô, phải đến nhà cô dù chỉ vội vàng mươi phút.

Hàng ngàn học sinh đã đi qua có thể cô thầy không nhớ hết. Nhưng với học trò, đã thương, đã ấn tượng thầy cô giáo nào sẽ khó mà quên được.

Thầy cô cần gì ở học trò cũ?

Đương nhiên thầy cô sẽ không cần học trò cũ phải mua quà đến tặng. Càng không mong học trò thành đạt tới thăm mình để nhờ vả.

Thầy cô giáo cũ chỉ cần học sinh nhớ đến mình thể hiện bằng những câu thăm hỏi, những lời chúc sức khỏe qua tin nhắn, qua cuộc điện thoại dù vội vã ít phút cũng đã thấy vui, thấy hạnh phúc biết nhường nào.

Thế nhưng, đâu phải giáo viên nào cũng có được những niềm vui ấy. Không phải thầy cô sống chưa hết lòng với học sinh mà đôi khi chính học trò lại phụ những ân tình ấy.

Nhiều thầy cô giáo cho biết, có những học sinh khi còn dạy mình yêu thương, giúp đỡ tận tình nhưng khi ra trường gặp thầy cô ngoài đường mặt lạnh tanh như những người xa lạ.

Ngược lại, có những em khi còn học, giáo viên vô cùng nghiêm khắc. Vì thế, những học sinh này thường tỏ thái độ chống đối, đôi khi ghét thầy cô ra mặt. Thế nhưng ra trường và vào đời rồi, các em lại rất quý, rất thương và hay nhớ về thầy cô với lòng biết ơn: “Nhờ sự nghiêm khắc ấy chúng em đã nên người”.

Đa phần, thầy cô hết lòng học sinh không phụ

Trong thực tế, học sinh không nhớ về thầy cô giáo cũ có nhiều nhưng cũng có những thầy cô giáo không đáng để các em nhớ đến.

Nếu thầy cô luôn hy sinh cho học sinh, luôn gieo vào lòng các em những điều tốt đẹp thì chắc chắn hình bóng thầy cô sao có thể xóa nhòa trong ký ức các em?

Như câu chuyện chàng sĩ quan công an tên Thành công tác tại thị xã La Gi cho biết thầy giáo dạy Lý của mình biết nhà Thành nghèo nên muốn miễn tiền học thêm cho em.

Có điều thầy lại sợ Thành mặc cảm nên luôn ra chiêu: “Bạn nào giải được bài tập lý này thầy sẽ miễn tiền học phí tháng này”.

Thành cho biết do mình học giỏi nhất lớp nên bài tập thầy ra thường nhắm vào Thành để em giải.

Vì điều này, Thành đã không phải lo tiền học thêm nhưng vẫn không bị mặc cảm.

Ân tình này thật ra sau này Thành mới hiểu. Và kể từ ngày ấy, tình cảm của Thành đối với thầy giáo vô cùng đặc biệt.

Nó không đơn thuần là tình thầy trò đơn giản mà còn mang thêm nỗi hàm ơn vì thầy đã giúp đỡ khi gia cảnh nhà em lâm vào tình cảnh khó khăn nhất.

Ngược lại, khá nhiều học sinh mỗi khi nhắc đến thầy cô nào đó lại có thái độ khinh khi, coi thường hoặc hằn học. Đa phần những giáo viên này, thiết lập mối quan hệ với trò sòng phẳng như chuyện mua và bán ngoài xã hội.

Trò có tiền, thầy cô có kiến thức. Trò chi tiền, thầy cô dạy tận tình bằng không thì dù muốn cũng chẳng bao giờ được học.

Thầy đối với trò như thế đương nhiên hết học thầy, các em cũng hết tình.

Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây đạo lý này cần được gìn giữ

Tôn sư trọng đạo, đạo lý này có từ ngàn đời. Thế nhưng muốn trò “tôn sư” thầy cô phải thật sự xứng với vị thế người Thầy. Đó là lòng yêu thương trò như con, sự hy sinh lợi ích cá nhân, công sức vì sự tiến bộ hàng ngày của các em.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/muon-tro-kinh-trong-giao-vien-phai-that-su-xung-dang-voi-vi-the-nguoi-thay-post206513.gd