Muôn vàn thương yêu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến các cháu thiếu niên, nhi đồng với những tình cảm thiết tha, trìu mến nhất. Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang vinh dự là nơi chứng kiến sự quan tâm đặc biệt đó.
Trung thu năm 1948, Bác ở Lũng Tẩu, Tân Trào. Giữa lúc cả nước đang dồn lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác viết thư Trung thu gửi các cháu thiếu nhi “Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, Bác cháu ta sẽ cùng nhau ăn những cái tết Trung thu tưng bừng vui vẻ. Vinh hoa bõ lúc phong trần”.
Năm 1949, vào ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, từ Khấu Lấu - Vực Hồ, xã Tân Trào, Bác viết thư gửi các cháu nhi đồng. Bác khuyên các cháu thi đua học tập và làm việc nhiều hơn “Ngày nay người lớn kháng chiến để tranh lại độc lập thì mai sau các cháu phải giữ vững nền độc lập”.
Cũng tại Khấu Lấu - Vực Hồ, ngày 1 tháng 6/1950 Bác viết thư gửi thiếu nhi toàn quốc, nêu ý nghĩa của ngày 1/6 đối với thiếu nhi thế giới. Còn ở Việt Nam do giặc Pháp gây ra chiến tranh nên trẻ con cũng phải kháng chiến cùng người lớn. Bác hứa với các cháu “Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”.
Sau đó 2 tháng, ngày 25/8/1950, Bác viết thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn quốc, khẳng định giáo dục nhi đồng là một khoa học. Nhiệm vụ của cán bộ phụ trách thiếu nhi là phải dạy cho các cháu biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa, đồng thời “phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên, trẻ trung” của thiếu nhi. Người yêu cầu các ban phụ trách nhi đồng cần phải liên lạc ngay với cha mẹ, thầy cô giáo của các em. Chính phủ, các đoàn thể và tất cả đồng bào đều phải có trách nhiệm giúp việc nhi đồng...
Trung thu năm 1951, Bác Hồ ở hang Bòng, xã Tân Trào. Người mở đầu thư trung thu gửi thiếu niên nhi đồng bằng những câu thơ:
Trung Thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung.
Người căn dặn nhi đồng cả nước những việc cụ thể nên làm, những việc phải làm trong sinh hoạt đội, trong học tập và cả khi vui chơi để trở thành những người có ích cho Tổ quốc, cho kháng chiến. Người mong muốn nhi đồng phải biết ghét thực dân Pháp xâm lược, biết yêu Tổ quốc, đồng bào, yêu lao động. Phải biết gắng giúp thương binh, gia đình liệt sỹ, chiến sỹ, giữ vệ sinh, kỷ luật, học tập. Phải biết đoàn kết, thi đua.
Tháng 9/1952, cũng tại hang Bòng, Bác Hồ viết thư Trung thu gửi thiếu nhi. Thư có đoạn viết “Mục đích của Bác và đoàn thể cùng chính phủ là cốt xây dựng cho các cháu đời sống thái bình, tự do, sung sướng”. Cuối thư, Bác tặng các cháu bài thơ: Ai yêu các nhi đồng, sau được phổ thành bài hát thiếu nhi Việt Nam nào cũng biết:
“Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình
Để tham gia kháng chiến
Để gìn giữ hòa bình
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh!”.
Năm 1961, một lần nữa thiếu nhi và nhân dân Tuyên Quang được đón Bác, khi Người về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III. Sau 6 năm xa Tuyên Quang, chiều 19/3/1961, Bác Hồ đến thăm trường thiếu niên vùng cao, trường sư phạm cấp I Bình Thuận, trường Bổ túc văn hóa tỉnh. Bác ân cần hỏi các cháu có được ăn đủ ăn no không, dặn các cháu biết tiết kiệm, biết trồng và chăm sóc cây xanh. Người cũng căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải chăm sóc các cháu, tạo nguồn cán bộ cho địa phương sau này. Khi nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã tại sân vận động lớn, Người cũng dành chỗ bên cạnh mình cho các cháu thiếu nhi.
Cả cuộc đời luôn thương yêu, quan tâm thiếu nhi; đến trước lúc đi xa, trong trái tim và tâm trí Bác Hồ vẫn luôn canh cánh tình yêu thương ấy. Di chúc của Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” của Người cũng là viết về thiếu nhi.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chúng ta càng thấm thía những lời dạy của Người về chăm sóc, giáo dục thiếu nhi: “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.