Muốn xây dựng chính quyền điện tử phải đầu tư kho dữ liệu số

Trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử, đầu tư kho dữ liệu số là việc cần thiết, không thể thiếu, nhất là đối với các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền địa phương.

Ông Trần Hữu Tài

Ông Trần Hữu Tài

Trao đổi với Báo Phú Yên về nhu cầu xây dựng kho dữ liệu số ở các địa phương hiện nay, ông Trần Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chuyển đổi số khối chính quyền địa phương, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT cho biết:

- Kho dữ liệu số là kho lưu trữ tập trung, được thiết kế để lưu trữ, xử lý và bảo mật một lượng lớn dữ liệu có cấu trúc, bán cấu trúc và phi cấu trúc. Kho có thể lưu trữ dữ liệu ở định dạng gốc và xử lý mọi loại dữ liệu khác nhau mà không bị giới hạn về kích thước. Kho dữ liệu số cung cấp một nền tảng an toàn, cho phép người dùng thu thập dữ liệu từ mọi nơi như hệ thống vật lý, đám mây; lưu trữ dữ liệu bảo đảm an toàn; xử lý dữ liệu theo thời gian thực hoặc cập nhật đồng bộ; phân tích dữ liệu bằng nhiều ngôn ngữ lập trình.

Hiện nay, các quốc gia lấy việc xây dựng cơ quan nhà nước điện tử làm mục tiêu, trong đó trọng tâm không phải là các ứng dụng thu thập dữ liệu thông thường mà hướng đến các giải pháp, dịch vụ tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu số, dữ liệu lớn (big data) để tận dụng tối đa tài nguyên, nâng cao hiệu quả vận hành tổ chức.

* Kho dữ liệu số có vai trò như thế nào trong việc xây dựng chính quyền điện tử của các địa phương hiện nay, thưa ông?

- Chúng ta đã biết, nguồn dữ liệu quốc gia của Việt Nam đã bắt đầu hình thành khoảng 10-15 năm, khi đất nước bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu này đang được quản lý phân tán ở rất nhiều nơi, chưa được khai thác đúng mức. Để có thể tiến đến giai đoạn sử dụng dữ liệu để ra quyết định, chúng ta cần phải có các nguồn dữ liệu và các nguồn dữ liệu cần được chia sẻ với nhau.

Muốn dữ liệu được chia sẻ thì việc đầu tiên là phải tích hợp về kho dữ liệu, từ đó mới có thể khai thác phục vụ cho việc ra quyết định của lãnh đạo. Do đó, việc xây dựng kho dữ liệu vô cùng cần thiết, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt, phải được ưu tiên đầu tư để tiến tới xây dựng chính quyền số.

Thực tế hiện nay là chúng ta cứ phát triển dữ liệu mà không biết chính xác nguồn dữ liệu này sẽ phục vụ cho việc gì. Giải quyết vấn đề này, khi có kho và đổ dữ liệu vào kho, các địa phương sẽ quy hoạch được dữ liệu, thấy được đã có những dữ liệu gì, dự kiến sẽ có thêm dữ liệu nào, mối liên hệ giữa những dữ liệu… Kho dữ liệu này đồng thời còn là một công cụ giúp người quản lý có thể thấy được tất cả các loại dữ liệu, từ đó giúp định hình được kế hoạch phát triển chuẩn xác hơn.

Cán bộ UBND phường 8 (TP Tuy Hòa) hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công. Ảnh: THỦY TIÊN

Cán bộ UBND phường 8 (TP Tuy Hòa) hướng dẫn người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công. Ảnh: THỦY TIÊN

* Vậy theo ông, nguồn dữ liệu sẽ được lấy từ đâu?

- Dữ liệu đưa về kho sẽ có rất nhiều nguồn. Thứ nhất có thể lấy từ dữ liệu phát sinh hàng ngày của hệ thống thông tin ngành. Thứ hai, từ nguồn thông tin của các bộ, ngành thông qua các công cụ kết nối để kéo về kho. Thứ ba sẽ là nguồn dữ liệu từ việc thực hiện số hóa dữ liệu hiện nay. Thứ tư là nguồn dữ liệu đến từ các địa phương khác hoặc từ tỉnh nhà thông qua việc liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Việc làm giàu dữ liệu trong kho sẽ được tích lũy qua một giai đoạn. Khi có kho dữ liệu, tất cả các dữ liệu sẽ được cập nhật hàng ngày thông qua các hoạt động của tất cả các bộ phận, các lĩnh vực…

* Thưa ông, những tiện ích mà kho dữ liệu mang lại là gì?

- Hiện nay, mỗi địa phương, sở, ngành đang lưu trữ dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu và chọn một hệ quản trị cơ sở dữ liệu riêng như SQL server, Oracle… Điều này dẫn đến thực trạng trên cùng một địa bàn sẽ có rất nhiều hệ quản trị cơ sở dữ liệu và không thể liên kết, chia sẻ.

Ngoài ra, không phải lúc nào dữ liệu cũng nằm trong hệ quản trị cơ sở dữ liệu, mà có thể nằm trên những file excel đối với những đơn vị chưa thực hiện tin học hóa hoặc ở dạng tập tin bình thường dưới dạng số hóa. Kho dữ liệu sẽ là nơi bao trùm, có thể lưu trữ tất cả các loại dữ liệu, giúp cho việc quản lý, kết nối, khai thác, chia sẻ được dễ dàng, thuận lợi.

Dữ liệu trong kho sẽ phục vụ cho rất nhiều đối tượng. Đối tượng đầu tiên, lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp đều được khai thác và hưởng lợi từ nguồn dữ liệu, phục vụ cho việc ra quyết định, hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển. Đối tượng tiếp theo là người dân. Đối với những dữ liệu chọn lọc trong kho có thể đưa ra ngoài, chúng ta có thể đưa qua nền tảng dữ liệu mở phục vụ cho doanh nghiệp, người dân. Các cơ quan hành chính cũng có thể chia sẻ dữ liệu trong kho. Cán bộ ở các sở, ngành đều có thể truy cập phục vụ cho công việc, hoạt động hàng ngày của mình.

* Xin cảm ơn ông!

THỦY TIÊN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/300822/muon-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-phai-dau-tu-kho-du-lieu-so.html