Mường Chiên mùa măng đắng
Vào tháng 3 và tháng 4 hằng năm, khi hoa ban nở trắng rừng, cũng là lúc người dân xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) rủ nhau lên rừng lấy măng đắng về bán và phục vụ nhu cầu của gia đình.
Măng đắng rất phổ biến ở Mường Chiên. Theo người dân nơi đây, những rừng măng đắng không biết có từ bao giờ, được bà con lấy về phục vụ bữa ăn hàng ngày. Theo kinh nghiệm của bà con, vào thời gian đầu mùa, khi chưa có tiếng sấm, lượng mưa còn ít, những chiếc măng còn giấu mình dưới tầng đất xốp và lá mục thường mềm, ngọt, giòn và chưa có vị đắng đặc trưng. Khi những tiếng sấm rền vang gọi mùa mưa đến, những búp măng đắng trong rừng đua nhau trồi lên khỏi mặt đất, hứng những giọt mưa sau những tháng mùa khô chờ đợi. Măng mọc trồi lên mặt đất càng nhiều, vị đắng càng tăng dần lên.
Nếu trước đây, măng đắng chỉ được biết đến trong các bữa ăn dân dã hàng ngày của người dân ở các bản, thì ngày nay, măng đắng đã trở thành đặc sản, là hàng hóa được trao đổi mua bán trên thị trường, mang lại thêm thu nhập thời vụ cho người dân mỗi khi vào mùa. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi đến Mường Chiên những ngày này sẽ dễ nhận thấy những bó măng đắng được người dân chở ra bày bán ngay hai bên đường vào chợ trung tâm xã, nhiều thương lái từ trung tâm huyện đến tận nơi để thu mua. Anh Lò Văn Thu, bản Bon, chia sẻ: Mấy hôm nay có những cơn mưa nặng hạt, đất ẩm, măng đắng đua nhau mọc nên dễ dàng tìm kiếm hơn so với đầu mùa. Nếu chịu khó tìm, mỗi mùa vụ, gia đình tôi thu được hơn 2 tạ măng đắng, bán được trên 3 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập thêm ngoài làm nương ngô, sắn, ruộng lúa của gia đình.
Với người dân Mường Chiên, măng đắng là thứ sản vật thiên nhiên ban tặng, qua đôi bàn tay chế biến khéo léo của bà con nơi đây, những củ măng đắng non khi lấy trên rừng về sẽ được bóc vỏ, rửa sạch, đem luộc chấm mẻ, xào lá lốt, hầm với xương, nấu canh vịt... Khi thưởng thức có thể ăn cùng quả cà dại, lá nhội xanh rừng nhằm giảm bớt vị đắng của măng. Nhờ đó, măng đắng trở thành một món ăn vừa dân dã, vừa độc đáo và lạ miệng. Để có măng thu hoạch hằng năm, người dân Mường Chiên còn bảo nhau bảo vệ tốt rừng tre. Hiện, xã Mường Chiên có gần 5.000 ha rừng, trong đó, có hơn 40 ha rừng tre, bình quân mỗi vụ măng người dân trong xã thu được gần 40 tấn, với giá từ 10 -15 nghìn đồng/kg.
Về Mường Chiên mùa này, ngoài được khám phá những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, cảnh đẹp thiên nhiên, hòa mình trong vòng xòe, tiếng đàn tính tẩu và sự gần gũi, giàu lòng mến khách của người dân nơi đây, chắc chắn nhiều người sẽ khó quên được hương vị măng đắng, một đặc sản của núi rừng.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-chien-mua-mang-dang-30768