Mường Do phát triển vùng chè gắn với bảo tồn chè cổ thụ
Những năm gần đây, thương hiệu chè Mường Do, huyện Phù Yên đã và đang từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, giá trị sản phẩm chè được nâng lên đáng kể. Người trồng chè ở Mường Do đã có thêm thu nhập ổn định từ loại cây trồng này.
Đến nay, xã Mường Do có 21,53 ha chè, trong đó có 4 ha diện tích chè cổ thụ, chủ yếu tập trung tại bản Lằn. Để nghề trồng chè phát triển, từng bước thay thế các loại cây lương thực truyền thống và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương, năm 2018, UBND xã Mường Do đã lựa chọn sản phẩm chè để đăng ký sản phẩm OCOP. Xây dựng lộ trình cụ thể cho việc phát triển sản phẩm chè từ khâu chăm sóc, thu hái đến đóng gói bao bì sản phẩm. Với nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, sản lượng chè búp tươi hiện tại đạt gần 20 tấn/năm; riêng sản phẩm chè xanh, chè đen và chè vàng thành phẩm, đạt sản lượng trên 2,2 tấn/năm. Qua đánh giá, kiểm định chất lượng, năm 2020, chè Mường Do chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ vậy, giá trị chè Mường Do được nâng lên đáng kể, giá bán 130 nghìn đồng/kg chè thường và từ 150-200 nghìn đồng/kg chế biến từ chè cổ thụ. Sau khi trừ các loại chi phí, người trồng chè có thể thu lãi từ 10-15 triệu đồng/ha chè thành phẩm.
Trên địa bàn xã Mường Do có trên 200 hộ trồng chè. Tuy nhiên, số lượng hộ chế biến chè chỉ có khoảng 40 hộ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, UBND xã cũng vận động các hộ trồng chè đi học nghề sao chè ở một số địa phương trong tỉnh như Bắc Yên, Mộc Châu để về áp dụng vào chế biến sản phẩm chè búp tươi của gia đình. Qua đó, các hộ trồng chè đã tự sao sấy chè búp tươi; chất lượng chè thành phẩm ngày càng được nâng cao, xây dựng thương hiệu chè riêng của địa phương, nâng cao thu nhập cho người trồng chè.
Anh Sa Văn Thiết, hộ trồng chè ở bản Lằn, chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 2 ha chè và chăm sóc, cải tạo 20 cây chè cổ thụ, sản lượng đạt trên 25 tấn chè búp tươi/năm. Từ khi học được nghề sao chè, gia đình tự sao toàn bộ toàn bộ số chè búp tươi. Chè thành phẩm bán ra thị trường giá cao hơn nhiều lần so với cắt từng bó bán. Bình quân 1 năm, gia đình thu 70 triệu đồng từ hoạt động thu mua chè búp tươi của các hộ dân và sản lượng chè của gia đình.
Để đảm bảo cho chè thành phẩm thơm, ngon, người dân ở xã Mường Do thực hiện thời gian hái chè búp tươi từ 5-9 giờ sáng, hoặc sau 15 giờ. Để có được chè thành phẩm mang đậm hương vị đặc trưng, chè búp tươi được hái theo nguyên tắc 1 tôm 2 lá hoặc 1 tôm 3 lá. Hầu hết chè búp tươi ở Mường Do đều được sao bằng máy để đảm bảo độ khô phù hợp. Qua đánh giá của người tiêu dùng, sản phẩm chè Mường Do có hương thơm đặc trưng riêng, rất được khách hàng ưa chuộng.
Để duy trì và chăm sóc diện tích chè cổ thụ rộng 2,5 ha tại bản Lằn, Ban quản lý bản đã cho 1 hộ gia đình thuê quản lý, với hợp đồng thuê đất trong 20 năm (từ năm 2004 đến nay). Hầu hết các cây chè trong khu vườn có độ tuổi từ 50-100 năm, nếu được chăm sóc tốt và áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tạo, năng suất chè búp tươi sẽ đạt khoảng 30 tấn/năm, cao gấp 1,5 lần so với hiện tại.
Chị Hà Thị Nu, bản Lằn, xã Mường Do, hộ thuê đất, chia sẻ: Trong quá trình quản lý vườn chè cổ thụ, tôi chỉ thu hái chè búp tươi và để cây phát triển tự nhiên. 3 năm trở lại đây, tôi nhận thấy năng suất cây chè có dấu hiệu giảm so với trước. Hiện tôi đã tham khảo một số biện pháp cải tạo cây chè để áp dụng vào chăm sóc vườn chè. Theo đó, đối với những cây có dấu hiệu sinh trưởng kém được đốn, tỉa cành và bón phân.
Trao đổi với chúng tôi về việc phát triển cây chè và bảo tồn những gốc chè cổ thụ hiện có ở xã, ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do, cho biết: Việc trước tiên cần làm là bảo tồn số cây chè cổ thụ hiện còn, đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển khu du lịch sinh thái trên vườn chè rộng 2,5 ha tại bản Lằn sau khi hợp đồng cho thuê đất của chị Hà Thị Nu hết hạn. Ngoài ra, chúng tôi còn có kế hoạch mở rộng diện tích trồng chè mới và cử một số hộ đi học tập kinh nghiệm tại vùng chè Mộc Châu để áp dụng vào việc phát triển chè của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng chè toàn xã đạt trên 50 ha, từng bước đưa chè trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở thương hiệu chè OCOP chứng nhận 3 sao đã được công nhận trước đó. Xã cũng đã đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cử cán bộ chuyên môn về đánh giá hiện trạng, hướng dẫn các biện pháp cải tạo, đốn tỉa, tạo tán cho cây chè để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm.
Gắn mở rộng diện tích chè trồng mới với bảo tồn diện tích chè cổ thụ, Mường Do phấn đấu nâng cao giá trị sản phẩm chè, từng bước đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, góp phần giúp nhân dân trong xã xóa đói, giảm nghèo bền vững.