Mường Khoa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Những năm qua, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên đã thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ; giữ gìn, truyền dạy tiếng nói, chữ viết, điệu múa, nghề truyền thống; tổ chức nhiều lễ hội, giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần khơi dậy, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng, góp phần gắn kết cộng đồng.
Giọng nữ
Giọng nam
Giọng nữ
Đến nhà văn hóa bản Pót đúng lúc các thành viên Câu lạc bộ văn hóa Thái xã Mường Khoa đang sinh hoạt, các bà, các chị trong trang phục áo cóm truyền thống của người Thái với đủ màu sắc sặc sỡ, đầu đội khăn piêu vừa múa, vừa hát với nụ cười rạng rỡ; các chú, các anh trong chiếc áo nâu trầm đơn giản, tinh tế, trên tay cầm đàn tính trong điệu hát của dân tộc mình.
Trò chuyện với ông Lừ Văn Đức, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pót, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa Thái xã Mường Khoa, cho biết: Câu lạc bộ có 50 thành viên, các thành viên tham gia tự nguyện, với nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng đều có chung niềm đam mê văn hóa dân tộc Thái. Mỗi buổi sinh hoạt, là dịp để thành viên được gặp gỡ, tìm hiểu và tập luyện những làn điệu dân ca, dân vũ, vừa thỏa mãn niềm đam mê văn nghệ, vừa gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái được các thành viên sưu tầm, phục dựng, biểu diễn...
Chung mục đích giữ gìn nét đẹp văn hóa Thái, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mường Khoa đã thành lập lập Câu lạc bộ Khắp Thái gồm 16 thành viên. Chị Lừ Thị Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, chia sẻ: Khắp Thái là làn điệu dân ca của dân tộc Thái có từ bao đời, được trao truyền cho con cháu, từ đời này sang đời khác và là kho tàng quý báu. Chúng tôi mong muốn, thông qua hoạt động của câu lạc bộ để những người có niềm đam mê, có năng khiếu văn nghệ phát triển, nhất là truyền dạy lại cho thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Là thành viên trẻ tuổi nhất, chị Hà Thị Khánh nói: Qua những buổi sinh hoạt trong Câu lạc bộ Khắp Thái, được các hạt nhân văn nghệ hướng dẫn tỉ mỉ từng câu, từng lời “khắp”, hướng dẫn kỹ thuật lấy hơi, ngắt nghỉ các đoạn “khắp”, đến nay, tôi đã trình bày được một số bài “khắp” của dân tộc mình.
Mường Khoa hiện có 1.156 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 82%. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” gắn với xây dựng nông thôn mới, xã Mường Khoa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các đội văn nghệ quần chúng phát triển, hoạt động hiệu quả, ngoài hỗ trợ theo chính sách của tỉnh mỗi đội văn nghệ bản 2 triệu đồng/năm, xã tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư các thiết chế văn hóa. Đến nay, 100% số bản trong xã có nhà văn hóa với hội trường, sân khấu trang bị hệ thống âm thanh và các thiết bị phụ trợ, cơ bản đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ.
Hiện nay, xã Mường Khoa có 1 đội văn nghệ xung kích, 8 đội văn nghệ quần chúng và 2 câu lạc bộ. Mỗi đội có 12 thành viên tham gia, biểu diễn vào các dịp lễ tết và kỷ niệm, sự kiện của đất nước, địa phương, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ của xã ngày càng phát triển.
Điển hình, trong dịp xã Mường Khoa tổ chức Lễ hội xòe Thái lần thứ nhất, năm 2024, có sự đóng góp của gần 500 nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia trình diễn xòe Thái, mang tới cho nhân dân và du khách ấn tượng sâu sắc về nghệ thuật xòe Thái. Ông Lừ Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã Mường Khoa cho biết: Qua tổ chức lễ hội, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người Mường Khoa nói riêng, góp phần phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc huyện vùng cao Bắc Yên nói chung. Đồng thời, tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và vẻ đẹp đặc trưng của trang phục dân tộc, phát huy các di sản đã được ghi danh và công nhận.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại xã Mường Khoa giúp nhân dân nâng cao ý thức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thắt chặt tình đoàn kết, tạo động lực thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.