Mường Khương bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc

Nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn trước nguy cơ mai một, những năm qua, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể.

Nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Pa Dí.

Nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Pa Dí.

Nhiều giá trị văn hóa nguy cơ mai một

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới, có 14 dân tộc cùng sinh sống. Đây là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung của xã hội, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như trang phục, nếp sống văn hóa - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán... đang bị pha tạp và dần mai một.

Điển hình như nghề may trang phục truyền thống của người Pa Dí. Năm 2020, Bộ VH,TT&DL đã công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, giờ đây không có nhiều người theo nghề, chủ yếu người lớn tuổi là vẫn còn duy trì.

Nghệ nhân Pờ Chin Dín, một trong số ít người trong cộng đồng Pa Dí ở Mường Khương thông thạo nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc mình chia sẻ: “Nếu không truyền dạy lại cho con cháu cách dệt vải, nhuộm vải, may áo - mũ thì không chỉ nghề dệt mất đi, mà còn không lưu giữ được đúng bản sắc trang phục dân tộc độc đáo. Để hoàn chỉnh một bộ trang phục phải làm 2-3 tháng mới xong, nếu không làm liên tục thì phải mất cả năm trời, bởi tất cả đều làm bằng tay chứ không có máy móc gì có thể thay thế được. Hiện nay, ngoài thị trấn rất nhiều người bán trang phục của người Pa Dí may sẵn nhưng chỉ là hàng gia công, chất vải thô, màu không sắc, đường kim mũi chỉ may công nghiệp”.

Một trường hợp khác là người Núng Dìn, hiện nay, rất nhiều phụ nữ trẻ người Nùng Dín không thạo việc mặc trang phục truyền thống. Thậm chí dân ca của đồng bào dân tộc Nùng Dín cũng đang mai một. Dân tộc Nùng Dín không có chữ viết riêng, nên dân ca được truyền miệng qua các thế hệ. Đây chính là một trong những yếu tố khiến cho việc hát dân ca Nùng Dín tại các thôn bản bị mai một, giảm dần. Hiện nay, lớp người lớn tuổi thuộc và hát được những làn điệu dân ca cổ đã không còn nhiều, thế hệ trẻ thì ít mặn mà với dân ca.

Để bảo tồn các giá trị văn hóa

Đứng trước thực trạng đó, để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, huyện Mường Khương đã và đang có những việc làm thiết thực như tăng cường thông tin, hoàn thiện hệ thống thể chế và các thiết chế văn hóa; duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, quan tâm đến nghệ nhân và mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Năm 2019, huyện Mường Khương đã triển khai dự án bảo tồn văn hóa truyền thống như khôi phục chữ viết, bảo tồn các làn điệu dân ca, làn điệu múa đến từng thôn bản và được nhân dân hưởng ứng.

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Pa Dí, Tu Dí... có nguy cơ mai một về dân ca và chữ viết; vốn dân vũ trong đó có múa khèn, múa ngựa; vốn tri thức văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống để làm cơ sở tiến tới lập quy hoạch di sản văn hóa phi vật thể của một số dân tộc điển hình trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đời sống văn hóa người dân; khơi dậy sức sáng tạo trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới; giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình, làng, bản, khu phố, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Nhờ sự cố gắng nỗ lực của cả một tập thể đoàn kết, giàu truyền thống văn hóa đến nay, huyện Mường Khương đã được Bộ VH,TT&DL công nhận Di sản phi vật thể cấp Quốc gia gồm: Lễ hội Gầu Tào, Lễ Tạ ơn trâu, Nghệ thuật tranh cắt giấy, Lễ cúng rừng của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu, Trống trong nghi thức của người Mông; Di sản phi vật thể có động Hàm Rồng.

Các lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức và ngày càng đi vào chiều sâu. Huyện cũng thường xuyên tổ chức các chương trình dân ca, dân vũ ở các xã, thị trấn với các nội dung dân ca của từng dân tộc, các điệu múa, trò chơi dân gian... từ đó góp phần tạo nên một Mường Khương giàu bản sắc.

Hữu Trường

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/muong-khuong-bao-ton-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc-post451987.html