Mường Khương (Lào Cai): Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Huyện vùng cao Mường Khương (tỉnh Lào Cai) có nhiều sản phẩm nông sản đặc sản như gạo Séng cù, cây chè, quýt, dứa, chuối, ớt… đã, đang đem lại thu nhập, giúp người dân cải thiện đời sống. Từ thực tế này, Đảng bộ huyện Mường Khương đã xây dựng các đề án thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đảng bộ huyện Mường Khương khóa XXIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) xác định, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm là ưu tiên hàng đầu. Từ chủ trương này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 05 đề án liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân với mục tiêu: Tổ chức quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển chăn nuôi hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Mường Khương, hiện tại địa phương đã hình thành một số vùng chuyên canh, nông sản sản xuất hàng hóa như cây ngô lai với trên 7.100 héc-ta, vùng lúa Séng cù đặc sản trên 400 héc-ta sản lượng khoảng 2.200 tấn với giá bán ổn định. Ngoài ra, Mường Khương có 3.171 héc-ta trồng chè, trong đó có 258 héc-ta chè chất lượng cao sản xuất theo công nghệ ô long; 1.000 héc-ta chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng chè búp tươi bình quân đạt 19.00 tấn/năm, giá trị sản lượng đạt trên 110 tỷ đồng.
Cùng với đó, vùng cây ăn quả như dứa, chuối, quýt cũng có trên 2.351 héc-ta đều là những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao. Mường Khương cũng có vùng nguyên liệu ớt diện tích 200 héc-ta, năng suất bình quân ước đạt 50 tạ/héc-ta, sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa hợp tác xã với các hộ dân. Sản phẩm tương ớt Mường Khương được thị trường trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Hay diện tích cây sa nhân tím lên tới 1.230 héc-ta, trong đó diện tích cho thu hoạch 474,4 héc-ta, sản lượng đạt 521tấn…
Ông Lê Thanh Hoa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết: Với lợi thế về đất đai, khí hậu, đặc biệt là những cây thế mạnh, huyện Mường Khương đã sớm định hướng phát triển sản xuất hàng hóa sản phẩm nông nghiệp. Cùng với mở rộng sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa, hiện tại địa phương chú trọng vào việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, liên kết tiêu thụ. Chất lượng nông sản của Mường Khương đã thu hút các doanh nghiệp, thương lái tìm đến. Cùng với đó, địa phương cũng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản như Công ty dứa Đồng Giao (Ninh Bình), một số doanh nghiệp ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ nông sản…
Về định hướng những năm tới, ông Lê Thanh Hoa cho biết, cây lúa sẽ hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao, tập trung vùng thâm canh trọng điểm như Bản Xen, Lùng Vai và Bản Lầu, nơi có khả năng chủ động tưới tiêu… Ngoài ra, sẽ phát triển vùng rau trái vụ tại các xã Cao Sơn, La Pán Tẩn, Pha Long, Tả Ngài Chồ, Nấm Lư và Lùng Khấu Nhin với quy mô 130 héc-ta vào năm 2025. Phát triển vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đến năm 2025 diện tích đạt khoảng 5.400 héc-ta. Mở rộng diện tích chè, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến, đến năm 2025 đạt khoảng 4.620 héc-ta. Mường Khương cũng sẽ phát triển vùng dược liệu, khai thác thế mạnh về đất đai, khí hậu, nguồn gen quý sẵn có.