Mường Khương mở rộng diện tích trồng dứa trái vụ

Dù đã có mặt tại Mường Khương gần 30 năm, nhưng từng ấy thời gian, cây dứa chỉ cho thu hoạch trong 8 tháng chính vụ (từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau), mà không thể có dứa trái vụ. Nguyên nhân là do thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9, thời tiết ở Mường Khương bất lợi, nắng gay gắt, không thuận lợi cho cây dứa sinh trưởng và phát triển.

Qua tìm hiểu ở nhiều địa phương, nhận thấy trồng dứa trái vụ đòi hỏi đầu tư nhiều hơn so với trồng dứa chính vụ, nhưng giá bán cao hơn, hiệu quả kinh tế vẫn đạt được nên huyện Mường Khương đã tính tới việc trồng dứa trái vụ, nhất là khi Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương đi hoạt động tại địa phương. Thực tế, các cơ quan chuyên môn từng hướng dẫn kỹ thuật trồng dứa trái vụ cho nông dân Mường Khương, nhưng quy trình tương đối phức tạp và tốn kém so với khả năng tài chính của nông dân.

Mô hình trồng dứa trái vụ của Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương.

Mô hình trồng dứa trái vụ của Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương.

Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Huyện đã tham khảo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bổ sung thêm ý tưởng cho phù hợp với thực tế canh tác và khả năng (kỹ thuật, tài chính) của nông dân. Với quyết tâm phát triển cây dứa trái vụ, UBND huyện Mường Khương đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp canh tác dứa trái vụ phù hợp với thực tế của địa phương để chuyển giao cho nông dân.

Sau khi tìm hiểu, huyện đã chọn Hợp tác xã Thịnh Phong thí điểm trồng dứa trái vụ. Bắt đầu xuống giống từ đầu tháng 6 đến trước khi thu hoạch khoảng 3 tháng, thay vì làm sạch cỏ như dứa chính vụ, toàn bộ diện tích dứa trái vụ đều để cỏ dại mọc tự nhiên nhằm che ánh nắng cho quả.

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Hợp tác Thịnh Phong cho biết: Năm 2020, hợp tác xã trồng thí điểm 4 vạn gốc dứa, sau 1 năm cho thu hoạch 16 tấn quả, bán giá 7.000 đồng/kg, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nếu so với dứa chính vụ, sản lượng không cao do làm thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm, một số diện tích quả dứa bị cháy nắng và xốp nên sản lượng chưa đạt mức cao nhất. Tuy nhiên, quả dứa trái vụ được giá và tư thương đến mua tại nương, không phải lo đầu ra.

Dứa trồng trái vụ của Hợp tác xã Thịnh Phong.

Dứa trồng trái vụ của Hợp tác xã Thịnh Phong.

Từ những kết quả đạt được bước đầu, UBND huyện Mường Khương chỉ đạo Hợp tác xã Thịnh Phong tiếp tục thí điểm trồng dứa trái vụ xen với cây ngô trong vụ này. Hiện tại, Hợp tác xã Thịnh Phong đã bố trí 3 ha đất, đồng thời triển khai xuống giống ngay trong tháng 6. Sau khi dứa xuống giống, qua chăm sóc đến trước khi thu hoạch quả 3 tháng sẽ trồng ngô xen vào nương dứa. Việc trồng ngô xen dứa đòi hỏi phải để khoảng cách rộng hơn, năng suất sẽ giảm, nhưng sẽ mang lại lợi ích kép, đó là quả dứa không bị cháy nắng, đồng thời có thêm nguồn thu từ thu hoạch ngô. “Trên cơ sở thực hiện song song mô hình trồng dứa trái vụ xen ngô và trồng dứa trái vụ kết hợp để cỏ phát triển trong khoảng 3 tháng trước khi thu hoạch quả dứa, chúng tôi sẽ đánh giá cụ thể từng mô hình, nếu khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì sẽ lựa chọn, xây dựng quy trình kỹ thuật để triển khai đến nông dân”, ông Tô Việt Thành khẳng định.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, sau khi kết thúc dứa chính vụ, trong 4 tháng liên tiếp (từ tháng 6 đến tháng 9), Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương (Công ty Cổ phần Á Châu) phải thu mua dứa quả từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí còn mua từ Tiền Giang để có nguyên liệu sản xuất. Ông Hoàng Phú Cường, Giám đốc điều hành Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương cho biết: Mỗi tháng, nhà máy phải mua dứa quả từ các tỉnh miền xuôi với sản lượng 40 tấn quả tươi/ngày để chế biến. Như vậy, trong 4 tháng Mường Khương không có dứa, nhà máy phải nhập 4.800 tấn dứa tươi từ các tỉnh ngoài, với giá cao hơn từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg so với mua tại chỗ. Do vậy, trừ chi phí, nhà máy đang sản xuất không có lãi, nhưng vẫn phải chấp nhận bởi cần đảm bảo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.

“Nhà máy đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Mường Khương chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân trồng dứa trái vụ để nhà máy có nguyên liệu sản xuất, đồng thời giúp người dân có việc làm và thu nhập. Trong lúc chờ địa phương thí điểm mô hình trồng dứa trái vụ, nhà máy đã liên kết với 27 hộ ở thôn Bản Sinh (xã Lùng Vai) trồng 80 ha dứa trái vụ theo phương thức: Người dân đầu tư giống, phân bón, nhà máy hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đầu tháng 6, nhà máy đã trồng thí điểm dứa trái vụ làm mô hình để người dân tham quan, đồng thời chuyển giao kỹ thuật, trong tháng 7 triển khai đến các hộ”, ông Cường cho biết.

Được biết, sau khi trồng thí điểm, nếu khả thi, huyện Mường Khương sẽ mở rộng diện tích trồng dứa trái vụ lên vài chục ha. Thực tế cho thấy, trồng dứa trái vụ ở nhiều nơi không phải cách làm mới, thậm chí còn cho hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, cùng với trồng thí điểm, Mường Khương có thể tìm hiểu để sớm triển khai trồng dứa trái vụ với diện tích lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358580-muong-khuong-mo-rong-dien-tich-trong-dua-trai-vu