Mường La điểm đến hấp dẫn du khách

Cách thành phố Sơn La 40 km, được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan tươi đẹp, đồng bào các dân tộc huyện Mường La đang lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, có công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích lòng hồ rộng lớn là cơ sở để thúc đẩy phát triển du lịch.

Du khách trải nghiệm khu chum đá lẩu xá, bản Kẻ, xã Ngọc Chiến.

Du khách trải nghiệm khu chum đá lẩu xá, bản Kẻ, xã Ngọc Chiến.

Mường La nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm của tỉnh (Thành phố - Mường La - Mai Sơn); nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối Mường La với các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và là một phần của tour du lịch Thủ đô Hà Nội - Sơn La - Mường La - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai. Trên cơ sở giữ gìn, tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, khai thác tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, huyện Mường La đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện Mường La giai đoạn 2020-2025.

Ông Phùng Mạnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, liên kết phát triển du lịch; tập trung nguồn lực ngân sách, vốn từ các doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa, quy hoạch vùng tam giác kinh tế du lịch, dịch vụ bao gồm thị trấn Ít Ong - xã Ngọc Chiến - xã Chiềng Lao. Khuyến khích thu hút các nhà đầu tư vào phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa phù hợp với lợi thế từng vùng, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Mường La giai đoạn 2020-2025, đã thúc đẩy du lịch địa phương phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường. Nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ bước đầu đã được hình thành, như: Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và nông nghiệp, trong đó, tập trung xây dựng 3 sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch cộng đồng bản Lướt, du lịch cộng đồng bản Nà Tâu, tại xã Ngọc Chiến; điểm du lịch Nhà máy thủy điện Sơn La; du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La khu vực Ít Ong, Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao. Các tour, tuyến du lịch phát triển, các cơ sở lưu trú phục vụ khách ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, điển hình, như: Tour du lịch trải nghiệm leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù; tour chụp ảnh mùa hoa sơn tra tại bản Nậm Nghẹp...

Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 khách sạn; 25 homestay, nhà nghỉ; 2 điểm du lịch cộng đồng, các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện ngày càng chuyên nghiệp. Số lượng khách đến Mường La tăng dần qua các năm. Năm 2023, đạt 150.000 lượt khách, tăng 6,1%; tổng doanh thu đạt khoảng 56 tỷ đồng, tăng 4%, so với năm 2022. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã đón 59.900 lượt khách, tổng doanh thu đạt khoảng 20,9 tỷ đồng.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến.

Nhắc đến du lịch Mường La, không thể không nhắc đến “miền cổ tích” Ngọc Chiến, bởi cảnh đẹp non nước, sơn thủy hữu tình, nổi tiếng với Lễ hội hoa sơn tra; Lễ hội Mừng cơm mới; bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo, người dân thân thiện, mến khách. Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, chia sẻ: Hằng năm, xã đón từ 50-60 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng. Hiện nay, xã đang triển khai các giải pháp để từng bước chuyên nghiệp hóa các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, kết nối và phát triển hạ tầng đồng bộ. Chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Lòng hồ thủy điện Sơn La với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, hệ động, thực vật phong phú cùng nền văn hóa sông nước đặc trưng. Ngoài việc phát huy lợi thế nuôi cá lồng, nhân dân xã Mường Trai còn phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi, giải trí trên lòng hồ. Bà Quàng Thị Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Trai, nói: Xã khuyến khích các hộ dân trong xã đầu tư thuyền du lịch, nhà nổi phục vụ du khách trải nghiệm lòng hồ thủy điện.

Cùng với đó, huyện quan tâm phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tổ chức phục dựng, bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống, các phong tục của đồng bào các dân tộc, trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách, như: Lễ hội mừng cơm mới; lễ hội Pang A; lễ hội Nàng Han; Lễ hội đua thuyền... Tăng cường hợp tác với các huyện lân cận tạo liên kết vùng, gồm: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái) và Mường La, Bắc Yên (Sơn La), tạo cơ hội và môi trường thuận lợi để quảng bá tiềm năng du lịch của các địa phương trong vùng Tây Bắc.

Hướng đến phát triển du lịch bền vững, huyện Mường La tiếp tục hợp tác, liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình kết nối tour, tuyến du lịch. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Lam Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/du-lich/muong-la-diem-den-hap-dan-du-khach-8nKiwI8Sg.html