Mường Lát nỗ lực 'xóa trắng' xã nông thôn mới
Đã 13 năm từ ngày tỉnh Thanh Hóa triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng đến nay, Mường Lát là huyện duy nhất vẫn 'trắng' xã NTM. Thực tế này đã và đang đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân huyện Mường Lát phải thật sự nghiêm túc, nhìn thẳng vào những khó khăn nội tại để từ đó chung sức, đồng lòng sớm xóa 'trắng' xã NTM.
Một góc bản Lách, xã Mường Chanh.
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở tận cùng phía Tây Bắc của tỉnh. Toàn huyện có 7 xã biên giới và 1 thị trấn, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95,5%. Thời điểm bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bình quân số tiêu chí NTM của huyện mới chỉ đạt 2,5 tiêu chí/xã. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, đến nay, bình quân số tiêu chí NTM toàn huyện đạt 4,86 tiêu chí/xã và 17/77 bản được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, xã Mường Chanh đạt 8/19 tiêu chí; 2 xã Quang Chiểu và Nhi Sơn đạt 5/19 tiêu chí; các xã Mường Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Trung Lý cùng đạt 4/19 tiêu chí.
So với các huyện miền núi trong tỉnh, tốc độ xây dựng NTM của huyện Mường Lát tương đối chậm. Bởi xây dựng NTM ở các huyện miền núi thấp vốn đã nhiều khó khăn, thì với Mường Lát khó khăn càng tăng gấp bội. Cái khó của Mường Lát là xuất phát điểm của nền kinh tế thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, kết cấu hạ tầng thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện chủ yếu là tự cung, tự cấp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở mức rất cao, chiếm tới 65,4%. Hơn thế nữa, trình độ dân trí thấp, kéo theo nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa đầy đủ về chương trình xây dựng NTM, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, nguồn vốn cho xây dựng NTM của huyện được bố trí hàng năm tương đối hạn hẹp, việc huy động nội lực từ cộng đồng dân cư rất khó khăn.
Toàn huyện có 7 xã biên giới và 1 thị trấn, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95,5%. Thời điểm bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bình quân số tiêu chí NTM của huyện mới chỉ đạt 2,5 tiêu chí/xã.
Từ những khó khăn ấy, việc triển khai thực hiện xây dựng NTM ở các xã của huyện giống như cuộc đại cách mạng, cho nên không thể nóng vội, mà phải tập trung vào các tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Với mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM và có thêm ít nhất 33 bản NTM và xây dựng, hoàn thành 1 bản NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, Mường Lát phấn đấu đến hết năm 2025 bình quân số tiêu chí NTM trên địa bàn huyện đạt 16,14 tiêu chí/xã. Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ những ngày đầu năm 2023, huyện Mường Lát đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, gắn với huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân chung sức tham gia xây dựng NTM. Với quan điểm chỉ đạo triển khai xây dựng NTM là đồng bộ, toàn diện ở tất cả các xã và có trọng tâm, trọng điểm đối với xã Mường Chanh phấn đấu về đích NTM năm 2024 và xã Quang Chiểu về đích năm 2025, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã thực hiện rà soát, đánh giá kết quả thực hiện 19 tiêu chí NTM và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng địa phương, để triển khai thực hiện giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các cơ quan chuyên môn đối với việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM cho từng xã, với tinh thần bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, tập quán mỗi địa phương. Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, huyện Mường Lát tập trung tạo bước đột phá từ những tiêu chí không cần nhiều kinh phí như văn hóa, môi trường, quốc phòng - an ninh, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Cùng với đó, huyện sẽ ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo chuẩn NTM ở tất cả các xã. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống công trình nước sinh hoạt, điện, thông tin và truyền thông. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế và hệ thống chợ, hạ tầng thương mại nông thôn theo quy hoạch, cũng như nhu cầu thực tế của người dân. Tiếp tục huy động nguồn lực trong Nhân dân và doanh nghiệp để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là trung tâm văn hóa - thể thao các xã, hệ thống nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản.
Với mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn NTM và có thêm ít nhất 33 bản NTM và xây dựng, hoàn thành 1 bản NTM kiểu mẫu... Mường Lát phấn đấu đến hết năm 2025 bình quân số tiêu chí NTM trên địa bàn huyện đạt 16,14 tiêu chí/xã.
Nhận thức rõ mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân, huyện Mường Lát tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực. Đi liền với ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất về cây trồng, vật nuôi thế mạnh, huyện cũng chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chuỗi liên kết có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, HTX gắn với chế biến, bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, HTX với người dân trong đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của địa phương. Với đặc thù của một huyện biên giới nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất cả nước, do đó, huyện Mường Lát tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, theo tinh thần Nghị quyết số 24/2021/QH15, ngày 28-7-2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội về việc phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 11-NQ-TU ngày 29-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Đó còn là việc nâng cao hiệu quả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, thực hiện đổi mới cách thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ việc làm, vốn, phương thức sản xuất, để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.