Mường Muổi hôm nay
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, từng chứng kiến quá trình phát triển đi lên của địa phương, vui mừng trước thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đạt được, cụ Lò Văn Ó, nguyên Bí thư huyện ủy Thuận Châu phấn khởi: Mường Muổi (tên gọi cũ của huyện Thuận Châu) quê mình bây giờ thay đổi nhiều quá! thị trấn ngày càng sầm uất, đông vui. Đồng bào vùng cao đã có đủ cơm ăn, áo mặc; cây thuốc phiện không còn, thay vào đó là những nương ngô, lúa, vườn cây ăn quả tốt tươi. Vui mừng nhất là cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống vùng đất anh hùng cách mạng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Để minh chứng sự phát triển của Thuận Châu, đồng chí Quàng Văn Dũng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, thông tin thêm những con số: Toàn huyện hiện có 3.867 ha cây ăn quả; 8.161 ha cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su); xây dựng 6 chuỗi liên kết sản xuất, có 5 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ; 205 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; tổng trị giá hàng hóa tham gia xuất khẩu 167 tỷ đồng; 88 doanh nghiệp, 39 HTX đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đã đưa vào vận hành và khai thác Nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La 28/10. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ, 100% xã có đường ô-tô đi được 4 mùa đến trung tâm; 93,96% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,7%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh, xã Phổng Lái đã đạt chuẩn quốc gia, đang chuẩn bị tổ chức công nhận thêm 1 xã, bình quân toàn huyện đạt 9,18 tiêu chí/xã. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng.
Trong quá trình phát triển, Thuận Châu luôn là địa phương đi đầu trong các phong trào, nhất là phát triển kinh tế, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng cây công nghiệp tập trung, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao tiềm lực kinh tế, giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xây dựng, củng cố quan hệ sản suất mới, từng bước hỗ trợ nông dân tiếp cận với kinh tế thị trường, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, hình thành 3 vùng phát triển kinh tế, gồm: vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 6; vùng cao và vùng dọc sông Đà. Trong đó, vùng kinh tế động lực tập trung sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản; sản xuất vật liệu xây dựng.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên có trên 54.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp với nhiều loại cây trồng, từ cây ăn quả đến lúa, ngô và các loại rau màu..., Thuận Châu chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh, như: Vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và một số loại rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm; chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô theo hình thức trang trại, vùng nông nghiệp hữu cơ; kết nối sản xuất nông nghiệp hữu cơ với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, có các cơ chế mở cửa, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ với nông dân.
Người dân Thuận Châu có quyền tự hào khi nói về cây chè - loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, mang lại thu nhập cao cho người làm chè. Đến với xã Phổng Lái “thủ phủ của cây chè” ở Thuận Châu trên con đường bê-tông trải dài theo những nương chè trổ lộc xanh mơn mởn, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã cung cấp thêm nhiều thông tin. Phổng Lái hiện có gần 700 ha chè, hơn 400 hộ tham gia trồng, chế biến, kinh doanh chè, tạo việc làm và thu nhập cho trên 2.000 lao động trên địa bàn. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, phục vụ tốt hoạt động xuất khẩu, những năm gần đây, nhiều công ty, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh chè đã tham gia hợp tác, hướng dẫn người trồng chè ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong tất cả các khâu trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Điển hình là Công ty TNHH nông sản Thân Nga, Công ty TNHH Trà Thu Đan, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận… đã đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại, có khả năng sản xuất các loại chè cao cấp, chất lượng cao. Nhờ sự hợp tác này, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chè đã được nâng lên rõ rệt; năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha; đến nay, đã có hàng nghìn tấn chè thành phẩm của Phổng Lái được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc).
Đến Công ty TNHH Trà Thu Đan, chúng tôi thực sự ấn tượng về một nhà máy chè được đầu tư quy mô, thiết bị máy móc nhập khẩu hiện đại nằm giữa những cánh đồng chè trải dài trên các sườn đồi. Giám đốc Công ty Phạm Văn Doanh niềm nở mời chúng tôi thưởng thức chè Ô Long. Ông bảo Nhà máy chế biến được đầu tư xây dựng năm 2013, quy mô 2 ha, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Công ty hiện đang duy trì 60 công nhân làm việc, mức thu nhập bình quân 7 - 12 triệu đồng/người/tháng; đồng thời, xây dựng vùng chè nguyên liệu trên 300 ha tại các xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É. Tất cả sản phẩm chè của chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, trung bình một năm xuất bán khoảng 300 tấn chè khô. Năm 2019, Công ty cung cấp 1,5 triệu cây giống miễn phí và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân để mở rộng thêm 100 ha chè nguyên liệu, dự kiến năm 2023 sản lượng chè khô sẽ đạt 600 tấn/năm.
Vốn là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc vùng núi Tây Bắc; hệ sinh thái phong phú, đa dạng, Thuận Châu hiện có một số địa điểm được du khách rất quan tâm, tìm đến trải nghiệm, như: Hồ Noong Luông, chợ Trung tâm huyện, Kỳ đài Thuận Châu, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di chỉ hang đá bản Mòn (xã Thôm Mòn), mô hình du lịch thắng cảnh đèo Pha Đin gắn với phát triển nông nghiệp, du lịch hồ Lái Bay - đồi chè Kiến Xương (xã Phổng Lái), nhà nghỉ cộng đồng xã Chiềng Ly; mở rộng sản xuất các sản phẩm thổ cẩm, dược liệu... Tại khu du lịch sinh thái nông nghiệp Pha Đin rộng gần 30 ha, hiện đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển, anh Bùi Ngọc Thắng, Giám đốc HTX Du lịch Pha Đin, chia sẻ: Đèo Pha Đin cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng Tây Bắc với vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, nhiều ngọn núi cao hòa quyện với mây trời. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, HTX chúng tôi xây dựng khu du lịch “Pha Đin top”, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, hiện giờ “Pha Đin top” trở thành điểm dừng chân quen thuộc của du khách. Vào những ngày cuối tuần hoặc các ngày lễ lớn, chúng tôi đón trung bình khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Những thành quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thuận Châu đạt được là những bó hoa tươi thắm dâng lên Đảng vĩ đại, Bác Hồ kính yêu nhân mùa xuân mới, khẳng định quyết tâm nguyện một lòng theo Đảng, thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn, đoàn kết xây dựng vùng đất giàu truyền thống cách mạng ấm no và hạnh phúc, tự hào là địa phương Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-muoi-hom-nay-28701