Mường Nhé kích cầu lao động đi làm việc ngoài tỉnh
ĐBP - Đưa người lao động đi làm việc ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh là một trong những giải pháp giải quyết việc làm được huyện Mường Nhé chú trọng triển khai thực hiện trong thời gian qua. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, huyện Mường Nhé đã ký kết quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động. Cùng với đó, huyện quan tâm khảo sát, tiếp cận thị trường lao động và ký kết cung ứng lao động với các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Qua đó, mở ra cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, có thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo ở địa phương.
Lãnh đạo huyện Mường Nhé thăm và kiểm tra công nhân huyện làm việc tại Công ty Cổ phần Nhân lực AMA Bắc Ninh.
Qua rà soát, huyện Mường Nhé có hơn 24.600 người trong độ tuổi lao động (chiếm hơn 50% tổng dân số). Tuy nhiên, chủ yếu lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo mùa vụ, thời gian nhàn rỗi nhiều; tỷ lệ lao động thường xuyên có việc làm và lao động tay nghề cao còn rất thấp, giá trị lao động chưa cao. Mặc dù số người trong độ tuổi lao động lớn, nhưng số lao động đi việc làm ngoài tỉnh ít, chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nhân lực của huyện. Trong cả giai đoạn 2016 - 2020 mới có 245 người đi làm việc ngoài tỉnh và 19 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Được biết, nguyên nhân là do người lao động trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc thiểu số, quen với công việc tự do, sợ thời gian làm việc gò bó, làm việc theo dây chuyền, áp lực công việc lớn nên chưa mạnh dạn đăng ký đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền và tuyển chọn lao động đi làm việc ngoài tỉnh còn hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và bản thân người lao động về đi làm việc ngoài tỉnh chưa đầy đủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp được giới thiệu về địa bàn huyện để tuyên truyền, tư vấn tuyển chọn lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh chưa kết nối được thông tin với người dân, do vậy chưa tạo được lòng tin để người dân tham gia…
Để tháo gỡ những “rào cản”, huyện Mường Nhé xác định việc đào tạo và đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng để giải quyết việc làm. Từ cuối năm 2018 huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương làm việc ngoài tỉnh. Để người lao động tin tưởng và đăng ký tham gia chương trình, huyện Mường Nhé đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các doanh nghiệp tổ chức cho người lao động tham quan trực tiếp môi trường làm việc.
Anh Thào A Thán, ở xã Mường Nhé là một trong những lao động đăng ký đi đào tạo và làm việc tại các công ty của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Sau đó có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Anh Thào A Thán chia sẻ: Năm 2019, qua tìm hiểu thông tin từ xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, được biết Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển dụng lao động đi đào tạo và làm việc nên tôi đăng ký tham gia. Sau khi được đào tạo, tôi về làm việc tại Công ty Xây lắp mỏ của Tập đoàn. Thời gian đầu mới học việc thì vất vả, nhưng sau quen thì đỡ hơn nhiều. Công việc ổn định với mức thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng, tôi tiết kiệm gửi về gia đình đầu tư mua bò sinh sản, sửa chữa nhà cửa, phát triển sản xuất nhằm cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, từ năm 2020 đến nay, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với huyện Mường Nhé tư vấn trực tiếp tại 11/11 xã. Kết quả có hơn 1.000 người đến nghe, với hơn 237 người lao động đăng ký đi học và làm việc tại Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Từ đầu năm 2022 đến nay đã có 44 lao động đi học và làm việc. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các lao động được tiếp nhận đi làm ngay theo cam kết giữa 2 đơn vị; tiền công bình quân đạt từ 700 - 900 nghìn đồng/ngày. Hàng quý, nhà trường, công ty đều thông tin đầy đủ, kịp thời đến địa phương về tình hình tuyển sinh, học tập và làm việc của học sinh, người lao động. Đồng thời, tổ chức tư vấn tại khối trường THPT Mường Nhé và tổ chức hội chợ việc làm với hơn 800 học sinh, người lao động tham gia.
Qua khảo sát, các lao động của địa phương được quan tâm, tạo điều kiện về ăn, ở và hưởng các chế độ đầy đủ tại các công ty. Bên cạnh đó, với mức thu nhập từ 12 - 20 triệu đồng/tháng đã giúp nhiều gia đình ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Mường Nhé đã từng bước nâng cao tỷ lệ, chất lượng lao động. Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt trên 45% tổng số lao động trên địa bàn huyện (năm 2015 chỉ đạt 19,7%) và tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ nghề sơ cấp trở lên đạt 25,7%.
Ông Trần Việt Hòa, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Huyện phấn đấu hàng năm có 60 lao động trở lên đi học tập và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Huyện sẽ tăng cường công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải quyết việc làm nói chung, đi làm việc ngoài tỉnh nói riêng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách việc làm để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và người dân nhằm tạo sự chuyển biến, thay đổi thói quen, tập quán ngại đi làm việc xa nhà; nâng cao nhận thức và ý thức về chấp hành pháp luật, tác phong công nghiệp... giúp người lao động có kỹ năng để hòa nhập môi trường lao động công nghiệp. Đồng thời, huyện Mường Nhé triển khai và thực hiện tốt các chính sách khuyến khích hỗ trợ người lao động đi làm việc ngoài tỉnh, như: Hỗ trợ vé xe đi, về cho người lao động đi làm việc ngoại tỉnh có tổ chức; hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm khi lao động trở về địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp đến tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc.