Mường Phăng hôm nay
Xã Mường Phăng (dịch theo tiếng Thái cổ có nghĩa là nghe ngóng) được ví như một thung lũng Mường Thanh thu nhỏ nằm cách trung tâm TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên hơn 30km. Hơn 300 năm trước, trong đoàn người thiên di từ Thuận Châu (Sơn La), những người Thái đã cắm đất dựng nhà, và bản Mường Phăng có từ thuở ấy. Chính tại nơi này, đầu năm 1954, bằng cái nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chọn đặt Sở chỉ huy trận quyết chiến với quân Pháp ở Điện Biên Phủ...
Gặp “cây đại thụ” ở Mường Phăng
Những ngày cuối tháng 4 khi những bông ban đang nở những nụ cuối cùng thì gió Lào ào ạt vượt dãy Pú Đồn thổi về cánh đồng Phiêng Ta Lét. Như một lời ước hẹn đinh ninh, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc dài như bất tận lại đổ về xã Mường Phăng.
Cuối năm 1953, từ hang Thẩm Púa, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn một địa điểm bí mật trên dãy núi Pú Đồn làm nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đài quan sát đặt trên đỉnh Pu Tó Cọ - điểm cao nhất của dãy Pú Đồn. Từ đây, nếu trời quang đãng, quân ta có thể quan sát toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng ống nhòm...
Chủ tịch UBND xã Lò Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Trung Thành dẫn chúng tôi đến thăm cụ Cà Văn Hợp, “cây đại thụ” thứ hai của xã Mường Phăng hiện còn sống. Cụ ở cùng con trai trong căn nhà bằng gỗ lát có tuổi đời hơn nửa thế kỷ nằm ở trung tâm bản Che Căn (thổ âm đọc Che Cẳn, tức là nơi che chắn, không cho kẻ xấu xâm nhập).
Cụ Hợp sinh năm 1923, năm nay đã bước sang tuổi 101. Cụ nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã, dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ vinh dự đón nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Hồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt đại bản doanh ở dây, cụ Hợp cùng với ông Lò Văn Bóng - một người rất gần gũi, được Đại tướng coi như người em kết nghĩa - tham gia dân quân du kích, có nhiệm vụ bảo vệ vùng ngoài.
Cụ kể, công tác phòng gian bảo mật hồi ấy rất chặt chẽ. Đội du kích của cụ làm nhiệm vụ vòng ngoài với nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hồi đầu, vũ khí của 2 cụ chỉ là dao quắm, sau được phát một khẩu súng trường cùng mấy chục viên đạn. Cả đội đều không biết phía trong là ai, làm gì, chỉ được quán triệt là “đặc biệt quan trọng” phải bảo vệ an toàn tuyệt đối dù có phải hy sinh tính mạng.
Người dân các bản ở Mường Phăng khi đó còn nghèo nhưng một lòng thủy chung với cách mạng. Hàng trăm người tham gia thiết lập các hành lang bảo vệ nhiều vòng, nhiều lớp liên hoàn, vừa chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của địch, vừa thuận tiện trong tiếp tế cho lực lượng đóng quân. Khu Sở chỉ huy Chiến dịch mặc dù chỉ cách trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hơn chục cây số đường chim bay, nhưng suốt thời gian diễn ra trận thư hùng lịch sử, nơi này được bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Sau lễ duyệt binh mừng chiến thắng, ngày 15/5/1954, trước khi đại quân rút về xuôi, một cán bộ chỉ huy lực lượng bảo vệ khu Sở chỉ huy đã nói với chính quyền xã và đội dân quân du kích Mường Phăng: “Các đồng chí ở lại cố giữ nguyên mọi thứ cho nhân dân, cho Chính phủ nhé”.
Do đất nước lại bước vào cuộc trường chinh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nên Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ không được quan tâm đầu tư, gìn giữ. 30 năm ròng, từ 1954-1984, ông Lò Văn Bóng (sau này là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng) đã vận động người dân lặng lẽ bảo vệ cánh rừng và các điểm di tích.
Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1983), Đại tướng Hoàng Văn Thái thăm lại Mường Phăng, biết chuyện ông Bóng và người dân nơi đây, Đại tướng đã nghẹn ngào: “Mường Phăng là của cả nước đấy, các anh cố giữ lấy!”.
Cháu ngoại chiến sĩ Điện Biên và ước vọng hôm nay
Anh Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng là người của công việc, xởi lởi, miệng nói tay làm. “Dịp này, mỗi ngày chúng tôi tiếp từ vài trăm đến cả ngàn du khách từ khắp cả nước và khách quốc tế lên tham quan Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, dâng hương tưởng niệm Đại tướng. Chỉ tiếc là Đại tướng không còn sống đến ngày hôm nay để chứng kiến người dân Mường Phăng đã vâng lời Đại tướng đoàn kết, xây dựng quê hương giàu đẹp” - anh Hợp chia sẻ.
Một điều khá thú vị là Chủ tịch xã sinh năm 1977 này là cháu ngoại chiến sĩ Điện Biên Phủ Lường Văn Cu - nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Phăng. Ông Cu sinh năm 1922, mất năm 1995, là cựu chiến binh tham gia chiến dịch Tây Bắc (1952) và chiến dịch Điện Biên Phủ, đầu năm 1960, ông xuất ngũ về địa phương tham gia cấp ủy, chính quyền cho đến khi nghỉ hưu.
Năm 2013, Mường Phăng (khi ấy thuộc huyện Điện Biên) được chia tách thành 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang và sáp nhập vào Thành phố. Xã hiện có trên 1.230 hộ dân, 5.650 nhân khẩu thuộc thuộc 3 dân tộc Kinh, Mông và Thái sinh sống ở 20 bản, trong đó, người Thái chiếm gần 75%.
Từ năm 2004 đến nay, Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được Nhà nước đầu tư tôn tạo hàng trăm tỉ đồng. Hàng loạt kết cấu hạ tầng của Mường Phăng như: tượng đài, nhà văn hóa, bến xe, cổng chào, con đường lịch sử Mường Phăng - Nà Tấu, Mường Phăng - Noong Bua được đầu tư xây dựng làm thay đổi diện mạo vùng đất này.
Ngày càng có nhiều hộ nông dân ở Mường Phăng trở thành tỉ phú từ kinh tế trang trại, kinh doanh thương mại như: gia đình ông Lường Văn Nguyên ở bản Mường Phăng, ông Quàng Văn Tỉnh ở bản Khá, Lò Văn Nghĩa ở bản Phăng 1. “Cả xã bây giờ đã có hàng chục hộ mua được ô tô du lịch, nhà nào cũng có từ 2 đến 5 xe máy. Cơ giới hóa đã vào trong sản xuất từ cày cấy đến gặt, đập, xay xát. An ninh trật tự bảo đảm, không có trộm cắp, ma túy. Cả xã hiện chỉ có 3 hộ cận nghèo, 4 hộ nghèo và chúng tôi quyết tâm sẽ xóa trong năm nay” - Chủ tịch Lò Văn Hợp cho biết thêm.
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch xã Lò Văn Hợp phấn khởi, hào hứng nói về những mục tiêu trước mắt và lâu dài, trong đó tham vọng xây dựng Mường Phăng là địa chỉ đỏ của du khách thập phương. Anh bảo, muốn níu chân du khách, Mường Phăng phải giàu đẹp, khang trang và có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hơn. Một số bản như bản Phăng 1, 2, Che Căn, bản Bua…, nhiều gia đình đã đầu tư chuyển sang làm “home stay” kinh doanh du lịch. 20 bản đều có đội văn nghệ quần chúng. Xã cũng đang được một số dự án đầu tư để bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề rèn...
Gần đến đại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách Việt Nam, quốc tế tiếp tục về với Mường Phăng. Dưới tán rừng nguyên sinh của những cây lát, cây dẻ cổ thụ ở Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, mọi người xúc động, nghẹn ngào được nghe chính những phụ nữ mặc áo cóm đeo xà tích hay các cháu học sinh nơi đây như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp kể về ải pú tạp xấc (ông nội đánh giặc) - cách gọi trìu mến của người dân Mường Phăng dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mường Phăng đã thực sự đổi thay…
Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/muong-phang-hom-nay-156946.html