Mường Phăng ngày ấy, bây giờ (bài 3)

Bài 3: Vùng đất lịch sử vượt khó vươn lênĐBP - Những năm đầu sau giải phóng Điện Biên, Mường Phăng vẫn là vùng rừng sâu núi thẳm. Các thôn, bản cách xa nhau. Đường giao thông nhỏ, hẹp, đi lại rất khó khăn, mưa bùn, nắng bụi; giáo dục, y tế chưa phát triển… Thế nên khi ấy Mường Phăng vẫn là nơi rừng sâu, tỷ lệ đói nghèo cao. Bài 2: Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên PhủBài 1: Mường Phăng - Trái tim chiến dịch Điện Biên Phủ

Hồ Đại tướng trên đỉnh Pú Huốt

Giai đoạn 1954 - 1959, xã Mường Phăng có 12 bản với tổng dân số khoảng trên 700 người thuộc 3 dân tộc chính là: Thái, Mông và Khơ Mú. Thời điểm đó, bản làng thưa thớt, đời sống người dân rất khó khăn. 100% hộ dân nhà tranh vách đất, vách tre nứa. Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ xưa, ông Lò Văn Ắm, 78 tuổi ở bản Co Mận kể: “Thời điểm đấy, Mường Phăng nghèo khổ lắm. Khoai, sắn không có mà ăn. Nhà nào cũng phải vào rừng đào củ mài ăn chống đói. Mấy năm sau đó, nhờ có bộ đội vào hướng dẫn khai hoang, sản xuất, các hộ mới bắt đầu có những mảnh ruộng trồng lúa nhỏ lẻ. Canh tác 1 vụ, dành dụm được ít thóc gạo trộn với khoai, sắn để ăn thay củ mài nhưng mỗi năm vẫn thiếu đói 5 - 6 tháng”.

Trung tâm xã Mường Phăng sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trung tâm xã Mường Phăng sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Càng về sau, diện tích khai hoang trồng lúa ở Mường Phăng càng được người dân mở rộng. Tuy nhiên, phần lớn diện tích này đều chỉ sản xuất được 1 vụ vì thiếu nước. Ông Lò Văn Biên (SN 1956), nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Mường Phăng giai đoạn 1998 - 2015 cho biết: “Mãi đến sau năm 2000, phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của xã chỉ canh tác được 1 vụ. Bà con đơn thuần trông chờ vào nguồn nước từ các con suối trên địa bàn. Ruộng thiếu nước nên năng suất, sản lượng không cao”.

Theo lời kể của ông Biên, đến năm 2004, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Mường Phăng, Đại tướng rất xót xa khi thấy người dân nơi đây phải sống trong cảnh khan hiếm nước sản xuất. Sau chuyến thăm ấy, với tình cảm gắn bó, xem Mường Phăng như quê hương thứ hai của mình, ngày 30/9/2008, Đại tướng đã viết một bức thư gửi Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về xây dựng hồ chứa thủy lợi Loọng Luông. Trong thư, Đại tướng viết: “…Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần phải bảo tồn. Đồng bào các dân tộc của tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời góp phần giữ gìn di tích lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tạo điều kiện cho tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi đề nghị Ban chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng thực hiện dự án trên”.

Hồ Loọng Luông được đầu tư xây dựng đã mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng.

Hồ Loọng Luông được đầu tư xây dựng đã mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng.

Cuối năm 2010, dự án hồ chứa nước Loọng Luông bắt đầu được thi công xây dựng. Đập đầu mối đặt tại nơi hợp lưu của hai con suối Loọng Luông và Loọng Nghịu, hồ có tổng diện tích lưu vực 1,9km2. Hồ có dung tích hữu ích hơn 1 triệu mét khối, cấp nước tưới 150ha đất trồng lúa trên địa bàn. Sau 2 năm thi công, hồ Loọng Luông hoàn thành và đưa vào khai thác, đã mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng.

Trước đây, các bản đồng bào dân tộc Mông như: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Co Mận, Loọng Háy, Loọng Nghịu luôn là “vùng lõm” phát triển kinh tế của xã Mường Phăng. Bởi người dân ít đất sản xuất, đất đai cằn cỗi, chỉ sản xuất được một vụ vì thiếu nước. Từ khi có hồ chứa nước Loọng Luông, những hạn chế trong sản xuất đã được khắc phục.

Người dân các bản ở Mường Phăng tích cực khai hoang, mở rộng diện tích lúa 2 vụ.

Người dân các bản ở Mường Phăng tích cực khai hoang, mở rộng diện tích lúa 2 vụ.

Ông Cứ A Chá, bản Loọng Luông 1 phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình tôi có khoảng 2.000m2, chỉ cấy được một vụ vì thiếu nước. Nhưng từ khi có hồ thủy lợi, 100% diện tích đều làm được 2 vụ. Mấy năm gần đây, tôi đã khai hoang thêm được 2.000m2 đất trồng lúa 2 vụ nữa. Với tổng diện tích hơn 4.000m2, lúa sản xuất ra không những đủ ăn mà còn dư ra để bán. Chúng tôi biết ơn Đại tướng nhiều lắm!

Không chỉ có 5 bản người Mông, hồ Loọng Luông còn cung cấp nước cho gần như toàn bộ 20 bản của xã Mường Phăng. Đủ nước sản xuất, diện tích đất lúa 2 vụ của xã liên tục tăng. Nếu như năm 2013, tổng diện tích lúa toàn xã là 150ha (100ha lúa 2 vụ và 50ha lúa 1 vụ) thì đến năm 2023, xã Mường Phăng có 225ha lúa 2 vụ và 87ha lúa 1 vụ. Bình quân lương thực đầu người đạt 534kg/năm.

Hồ Loọng Luông trên đỉnh Pú Huốt thường được người dân Mường Phăng trìu mến gọi bằng là “hồ Bác Giáp” hoặc “hồ Đại tướng” nhằm tri ân tình cảm, sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với nhân dân Mường Phăng.

Nông thôn mới Mường Phăng

Sau 70 năm giải phóng Điện Biên, mảnh đất căn cứ địa cách mạng Mường Phăng cũng vươn mình, “thay da đổi thịt” từng ngày. Mường Phăng ngày nào giờ đây đã khoách lên mình diện mạo khởi sắc của xã nông thôn mới.

Năm 2011, Mường Phăng bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với tâm thế là xã có xuất phát điểm thấp nhất trong 5 xã điểm. Khó khăn, thử thách chồng chất song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Phăng luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đồng lòng cống hiến công sức, dựng xây quê hương.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn xã Mường Phăng được đầu tư, nâng cấp, thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn xã Mường Phăng được đầu tư, nâng cấp, thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng nông thôn mới, xã Mường Phăng được quy hoạch vừa mang yếu tố hiện đại, văn minh nhưng vẫn gìn giữ và phát huy tốt giá trị truyền thống các dân tộc. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Các trục đường liên xã được mở rộng, trải nhựa; 100% tuyến đường nội bản, liên bản được bê tông hóa kiên cố. Các công trình thủy lợi liên tiếp được đầu tư xây dựng với hàng trăm kilomet kênh mương được cứng hóa. Hệ thống trường học 3 cấp đầu tư khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học; 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia… Công trình được Nhà nước hỗ trợ vật liệu thì người dân góp công sức thực hiện. Công trình nhà nước cấp kinh phí thì nhân dân hiến đất, hiến ruộng để thực hiện.

Trong những ngày tháng 3 lịch sử, khi cách đây 70 năm quân đội ta nổ súng khai hỏa, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, thì bây giờ từng đoàn xe nối nhau đưa khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc đến Mường Phăng, tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch năm xưa. Ai cũng công nhận Mường Phăng đẹp, yên bình, xứng danh vùng đất lịch sử anh hùng.

Bà Nguyễn Thị Bình, 62 tuổi, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Sau hơn 10 năm, tôi mới có dịp trở lại Mường Phăng. Mường Phăng hôm nay đẹp hơn hẳn. Đây là điều đáng mừng và rất cần thiết đối với một địa danh lịch sử quan trọng của quốc gia”.

Thay cho con đường lổm ngổm đá cuội, chi chít ổ gà ngày trước, giờ đây từ TP. Điện Biên Phủ đã có 2 tuyến đường, 1 tỉnh lộ và 1 quốc lộ to, đẹp đến Mường Phăng. Dọc trung tâm xã đã có đường đôi với 4 làn xe, vỉa hè ghép đá, hệ thống chiếu sáng, biển báo đầy đủ. Những bản nhà sàn mái ngói đỏ au. Nếp văn hóa truyền thống của dân bản được gìn giữ từ mỗi nếp nhà, nết ở ăn, văn hóa giao lưu, trình diễn. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm hơn 42% thì đến nay toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo (chiếm 0,03%), phấn đấu hết năm 2024, xã Mường Phăng không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,5 triệu đồng (năm 2011) nâng lên 46 triệu đồng (năm 2023).

Những ngôi nhà sàn khang trang được dựng lên, thể hiện một cuộc sống ấm no nơi vùng quê cách mạng Mường Phăng.

Những ngôi nhà sàn khang trang được dựng lên, thể hiện một cuộc sống ấm no nơi vùng quê cách mạng Mường Phăng.

Chứng kiến sự khởi sắc của quê hương, ông Lò Văn Lụi (SN 1946) - nguyên cán bộ xã Mường Phăng cho biết: Trải qua thời kỳ gian khó mới thấy hết được giá trị của sự đổi thay ngày hôm nay. Giờ đây, quê hương Mường Phăng đang thay da, đổi thịt từng ngày, bà con trong xã vui mừng lắm.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng khẳng định: “Để Mường Phăng có được sự đổi thay như ngày hôm nay, đó là kết quả quá trình chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc. Quan trọng nhất là sự đổi mới trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm của nhân dân. Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bà con đã chủ động phát triển kinh tế, thoát nghèo, góp sức xây dựng quê hương đổi mới”.

Bài 4: “Vinh quang thay đất Mường Phăng”

Bài, ảnh: Văn Tâm - Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/213804/muong-phang-ngay-ay-bay-gio-bai-3