Mường Pồn tái thiết sau thiên tai
Gần 4 tháng sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào cuối tháng 7/2024, đến nay, cuộc sống của người dân trên địa bàn xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) đã dần ổn định. Sự chung tay hỗ trợ của các lực lượng, tinh thần quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đã giúp nhân dân vùng thiên tai có nơi ở mới an toàn, được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố và tạo điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế. Những việc làm thiết thực đó đã phần nào xoa dịu đau thương, mất mát do thiên tai gây ra cho bà con, từng bước tái thiết lại cuộc sống cũng như công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bài 1: Khắc phục hậu quả thiên tai
Trận lũ quét đã gây ra thiệt hại rất lớn về người, nhà ở và tài sản cho người dân xã Mường Pồn. Chính vì vậy, ngay sau khi cơn lũ đi qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và các lực lượng đã và đang đồng hành cùng người dân vùng lũ khắc phục hậu quả thiên tai, giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống.
Khẩn cấp hỗ trợ
Lũ quét kéo theo lượng đất đá khổng lồ trôi xuống các bản: Mường Pồn 1, 2; Lĩnh và Tin Tốc 1, 2 khiến 4 người chết, 3 người mất tích. Hơn 20 hộ bị trôi, sập nhà ở hoàn toàn, trên 100 nhà ở bị ngập úng, sạt lở vùi lấp, với tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 70% phải di dời đến nơi ở mới. Cùng với đó là gần 160ha đất trồng lúa nước, lúa nương, ngô và sắn bị ảnh hưởng; trong đó trên 150ha bị thiệt hại 100%, gần 8ha bị thiệt hại 30 - 70%. Mưa lũ cũng khiến hơn 15ha ao cá của người dân trên địa bàn bị thiệt hại và 3.720 con gia cầm, trên 240 con gia súc bị chết sau mưa lũ. Những mất mát đó đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân địa phương.
Gần 4 tháng trôi qua, ông Lường Văn Tân, bản Lĩnh (xã Mường Pồn) vẫn chưa thể quên được những giây phút kinh hoàng của cơn lũ quét xảy ra ngày 25/7. Ông Tân kể lại: “Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng vì trận lũ vừa qua. Nước lũ tràn qua bản nhanh quá, kéo theo nhiều đất, đá, gỗ… khiến gia đình tôi và một số gia đình chịu mất mát quá lớn. Nhà thì mất người thân, nhà thì thiệt hại về nhà cửa, tài sản. Rất đau xót! Ngay sau lũ, các cơ quan, ban, ngành và địa phương đã đến hỗ trợ, giúp đỡ. Đó là niềm động viên rất lớn với dân bản…”.
Sau cơn lũ dữ, Mường Pồn ngổn ngang đất, đá và rác thải bủa vây. Đống đổ nát tạo ra một khung cảnh tan hoang, đối lập với hình ảnh bản làng bình yên trước đây. Thực tế đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả. Việc làm trước tiên của địa phương và cơ quan chức năng là đã kịp thời di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn, cứu đói khẩn cấp, huyện Điện Biên đã phân bổ trên 1,1 tỷ đồng, giao cho xã Mường Pồn thực hiện hỗ trợ trên 61 tấn gạo cứu đói cho 333 hộ dân/1.336 nhân khẩu trong 3 tháng.
Nhằm bố trí, sắp xếp chỗ ở cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai và nằm trong vùng nguy hiểm cần di dời, huyện Điện Biên đã triển khai các phương án tái định cư tại điểm dân cư Huổi Ké và các bản: Lĩnh, Tin Tốc 1, 2 và Mường Pồn 1, 2. Trong đó, các bản: Lĩnh, Tin Tốc 1, 2 là địa điểm bố trí tái định cư tại chỗ cho 36 hộ; còn lại 66 hộ di chuyển đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp, ổn định dân cư bị ảnh hưởng thiên tai do lũ quét trên địa bàn xã cũng gặp nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho việc bố trí quỹ đất cho các hộ dân bị thiệt hại xây dựng nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu là do một số hộ dân thuộc diện phải di chuyển hoặc nhường đất cho chính quyền bố trí, sắp xếp tái định cư chưa thực sự chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Thậm chí có những trường hợp, cơ quan chức năng đã họp bàn, thống nhất và đã đồng tình với phương án nhường đất để tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng sau đó lại thay đổi ý kiến hoặc con cái không đồng ý… đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung của việc sắp xếp ổn định dân cư. Vì vậy, hiện nay, cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động và thuyết phục các hộ gia đình này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các điểm tái định cư cho người dân trên địa bàn.
Từng bước khôi phục sản xuất
Cùng với bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp còn thực hiện nhiều việc làm cụ thể nhằm đảm bảo sản xuất. Trong cơn lũ vừa qua, xã Mường Pồn có hơn 570 hộ dân ở các bản: Mường Pồn 1, Tin Tốc, Huổi Chan, Huổi Un bị ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác. Nhiều ruộng, nương bị vùi lấp, cuốn trôi, với tổng diện tích khoảng 120ha.
Địa phương cũng phê duyệt phương án hỗ trợ cấp kinh phí cho 571 hộ bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ mô hình chăn nuôi tạo sinh kế cho 278 hộ dân ở 3 bản: Mường Pồn 1, Lĩnh và Tin Tốc; hỗ trợ mô hình trồng trọt, cải tạo đất, chỉnh trang bờ thửa để khôi phục sản xuất với diện tích trên 115ha…
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, người dân Mường Pồn cũng đang nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động phục hồi sản xuất. Ông Lò Văn Bình, Bí thư Chi bộ bản Lĩnh, xã Mường Pồn cho biết: “Sau lũ, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích sản xuất có thể khắc phục để tiếp tục chăm sóc. Vừa qua, phát huy vai trò của người đảng viên tại cơ sở, chi bộ đã huy động cán bộ, đảng viên và các đoàn thể tham gia hỗ trợ các hộ gia đình vùng lũ thu hoạch lúa mùa, nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp…”.
Sau những ngày mưa lũ, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhân dân trong xã đã kịp thời thu hoạch lúa mùa và cải tạo lại diện tích ruộng lúa nước bị đất, đá vùi lấp tiếp tục canh tác. “Thường vụ Đảng ủy đã chỉ đạo các bí thư chi bộ tại những bản bị thiệt hại nặng nề nhất, các đảng ủy viên phụ trách xuống cơ sở hỗ trợ bà con nhân dân khắc phục ổn định chỗ ở. Đồng thời, đề xuất với Thường trực Huyện ủy Điện Biên hỗ trợ về nhân lực, vật lực để ổn định sau mưa lũ. Chính quyền, đoàn thể xã cũng tuyên truyền, vận động bà con tập trung cải tạo những diện tích có thể khắc phục được để canh tác; đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Vừa qua, các lực lượng đã hỗ trợ người dân thu hoạch kịp thời gần 30ha lúa mùa; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo lương thực phục vụ cuộc sống trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND xã Mường Pồn Quàng Văn Tiến nhấn mạnh.