Những kinh nghiệm hay trong công tác giám sát tối cao, hoạt động chất vấn và tiếp xúc cử tri
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND tỉnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề 'Trao đổi, thảo luận đánh giá chất lượng các báo cáo và góp ý sơ thảo đề cương Lịch sử Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh (1946 - 2021)' lần 2.
Tại hội thảo, đại biểu có nhiều ý kiến đóng góp giá trị, sâu sắc. Bên cạnh, tập trung làm rõ và bổ sung những nội dung quan trọng trong bản thảo đề cương, đưa ra các kiến nghị thiết thực nhằm hoàn thiện tài liệu lịch sử này. Đại biểu còn chia sẻ những kinh nghiệm hay về các mặt công tác của Quốc hội, trong đó, có công tác giám sát tối cao, hoạt động chất vấn và tiếp xúc cử tri của ĐBQH.
Kinh nghiệm trong công tác giám sát tối cao, hoạt động chất vấn
Theo bà Nguyễn Thị Khá, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH khóa XI, XII, XIII, đơn vị tỉnh Trà Vinh, giám sát tối cao của Quốc hội góp phần bảo đảm các chính sách, luật pháp và nghị quyết do Quốc hội ban hành được thực thi nghiêm túc. Qua giám sát, Quốc hội đánh giá hiệu quả, phát hiện những hạn chế, bất cập trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, từ đó, đưa ra các yêu cầu cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đối với hoạt động chất vấn, là một hình thức giám sát cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan trực tiếp trả lời các câu hỏi của ĐBQH. Điều này không chỉ tăng cường tính minh bạch mà còn đặt ra trách nhiệm giải trình rõ ràng cho các cơ quan nhà nước, tạo sức ép để các cơ quan này hoạt động đúng mục tiêu và trách nhiệm của mình. Qua các hoạt động giám sát và chất vấn, Quốc hội và ĐBQH đại diện cho tiếng nói của cử tri, phản ánh những vấn đề bức xúc, thực tiễn mà người dân đang quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự kết nối giữa Nhà nước và người dân, giúp nâng cao niềm tin của Nhân dân vào chính quyền.
Thời gian qua, công tác giám sát tối cao và hoạt động chất vấn của Quốc hội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua các cuộc chất vấn, Quốc hội phát hiện nhiều bất cập trong các lĩnh vực: quản lý đất đai, y tế, giáo dục và giao thông. Những vấn đề này sau đó được các cơ quan có thẩm quyền xử lý, khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Các phiên chất vấn đã yêu cầu các cơ quan liên quan cam kết đưa ra các giải pháp cải thiện. Lãnh đạo các bộ, ngành thường xuyên tham gia các phiên chất vấn và trả lời cử tri đã dần nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, từ đó, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác quản lý.
Bà Nguyễn Thị Khá cho biết, để công tác giám sát và chất vấn đạt hiệu quả cao, ĐBQH cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu và nắm bắt thực tế. Bài học kinh nghiệm cho thấy, việc chuẩn bị chi tiết giúp đại biểu đặt ra các câu hỏi sắc bén, cụ thể, tránh tình trạng hỏi chung chung, dài dòng, thiếu trọng tâm. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa ĐBQH với các cơ quan chuyên môn để tiếp cận thông tin một cách toàn diện. Mỗi đại biểu trong hoạt động giám sát (nếu có điều kiện) phải khảo sát hay nắm tình hình thực tế ở địa phương theo từng nội dung thuộc lĩnh vực giám sát, hình thức giám sát là xem xét các báo cáo của Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Báo cáo của các ngành tư pháp kết hợp thu thập thông tin trong nước, tình hình thực tế ở địa phương, ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua MTTQ, báo cáo kinh tế - xã hội thông qua diễn đàn Quốc hội. Các báo cáo thẩm tra đọc thật kỹ, đặc biệt là những mặt còn hạn chế khuyết điểm thuộc trách nhiệm cá nhân hay tổ chức cần làm rõ. Trách nhiệm thuộc về bộ, ban, ngành nào, tránh những kiến nghị trách nhiệm thuộc về địa phương, qua phát biểu phải cân đối thời gian.
Các Ủy ban của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ĐBQH thực hiện công tác giám sát và chất vấn. Các Ủy ban cần chủ động xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, thực hiện giám sát theo chuyên đề nhằm đánh giá sâu sát từng lĩnh vực cụ thể. Việc phối hợp giữa các Ủy ban giúp đảm bảo việc giám sát toàn diện và tránh tình trạng bỏ sót các vấn đề quan trọng. Chất vấn không chỉ là việc yêu cầu làm rõ trách nhiệm mà còn phải đề nghị giải pháp xử lý vấn đề. Kinh nghiệm cho thấy, chất vấn càng cụ thể, càng đặt ra yêu cầu rõ ràng thì cơ quan bị chất vấn càng có trách nhiệm trả lời cụ thể và đưa ra phương hướng khắc phục hiệu quả. Điều này thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, tránh tình trạng kéo dài hoặc trả lời chung chung không hiệu quả.
Tùy theo từng lĩnh vực kỳ họp đưa ra mà đại biểu chọn câu hỏi để chất vấn ngắn gọn, trọng tâm và phải quy ra trách nhiệm thuộc về ai, tránh câu hỏi chung chung, dài dòng không rõ, không trọng tâm, trọng điểm. Nói chung, giám sát hay chất vấn đều phải đọc cho kỹ nội dung đưa ra, tránh trùng dẫn những câu hỏi trước, phải đi vào trọng tâm trọng điểm không dài dòng, không rõ trách nhiệm...
Sau mỗi phiên chất vấn, việc giám sát thực hiện cam kết của các cơ quan là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả. Các đại biểu cần có cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện và nếu cần thiết, tiếp tục đặt câu hỏi tại các kỳ họp tiếp theo. Việc này giúp tạo áp lực tích cực, yêu cầu các cơ quan thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra, góp phần vào sự cải thiện thực tế của hoạt động quản lý nhà nước.
Công tác giám sát hiệu quả cần gắn liền với nguyện vọng và ý kiến của cử tri. Qua các buổi tiếp xúc cử tri (TXCT), các đại biểu nắm bắt được những vấn đề thực tiễn mà người dân quan tâm, từ đó, làm cơ sở để đặt câu hỏi chất vấn sát với đời sống thực tế. Bài học kinh nghiệm cho thấy, việc phản ánh thực tế từ các địa phương không chỉ tăng tính đại diện của đại biểu mà còn làm cho hoạt động chất vấn trở nên thực chất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri
TXCT là việc ĐBQH gặp gỡ, trao đổi với cử tri nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Là dịp để tập hợp các ý kiến của Nhân dân, là cầu nối vững chắc giữa đại biểu với cử tri diễn ra dưới nhiều hình thức ở mỗi địa phương.
TXCT có vai trò quan trọng đối với hoạt động của cá nhân ĐBQH và của Quốc hội. Vai trò này thể hiện ở 02 vấn đề: (1) TXCT nhằm nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Qua đó, nắm được các vấn đề đang đặt ra cho đất nước và cho địa phương. (2) TXCT để đại biểu báo cáo kết quả của kỳ họp, giải thích với cử tri về các quyết sách được Quốc hội thông qua, góp phần tuyên truyền, tạo sự ủng hộ trong cử tri. TXCT còn được coi là dịp ĐBQH được “nói cho dân nghe” và “nghe dân nói” để đưa ý kiến, nguyện vọng của cử tri vào quyết sách của Quốc hội, là cơ hội phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho cử tri và là cơ hội để giải tỏa bức xúc của cử tri. Theo quy định, việc TXCT của ĐBQH thực hiện bằng các phương thức: TXCT trước kỳ họp Quốc hội, TXCT sau kỳ họp Quốc hội, TXCT nơi cư trú, TXCT nơi làm việc, TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực và gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân cử tri, nhóm cử tri.
Theo bà Dương Kim Anh, nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XI, XII, đơn vị tỉnh Trà Vinh, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, không chỉ đại diện cho Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho Nhân dân cả nước, là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
ĐBQH phải vừa chịu trách nhiệm trước cử tri, vừa chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Do vậy, ĐBQH phải thường xuyên giữ mối quan hệ với cử tri. Việc giữ mối quan hệ với cử tri giúp người đại biểu nắm bắt được rất nhiều thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Do vậy, ngoài những cuộc TXCT trước và sau các kỳ họp Quốc hội, ĐBQH nên chủ động sắp xếp thời gian hợp lý để đi đến khóm, ấp, tổ dân phố, cơ quan, trường học, nhà máy, công ty, xí nghiệp... gặp gỡ, thăm hỏi, động viên cử tri để cùng trao đổi, lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của cử tri. Đồng thời, cũng cần gặp gỡ, trao đổi với cán bộ chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để biết được những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở mỗi địa phương.
Sau khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, ĐBQH phải kịp thời phản ánh với Đoàn ĐBQH địa phương xem xét, tổ chức phối hợp với HĐND, kiến nghị chính quyền và các ngành chức năng có liên quan kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri, những ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa đúng thì ĐBQH cần giải thích cặn kẻ (trên cơ sở quy định của luật pháp, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước) để cử tri hiểu. Đồng thời, người đại biểu cần phải làm tốt công tác tư tưởng và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp, luật pháp và các chủ trương của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài những trách nhiệm nói trên, ĐBQH thường xuyên học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn. Đây là yêu cầu đòi hỏi mỗi đại biểu phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, bởi xuất phát điểm của đại biểu là được đào tạo chuyên môn ở một lĩnh vực nhất định, nhưng khi đã là người đại biểu thì cần phải tiếp cận với rất nhiều kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, ĐBQH phải tích cực nghiên cứu, cập nhật và tích lũy kiến thức mới làm tròn trách nhiệm của mình và thực hiện nhiệm vụ TXCT có hiệu quả cao.
Bà Dương Kim Anh cho biết, ĐBQH khi TXCT cũng cần lưu ý, dù TXCT ở đâu (tại hội nghị hay gặp gỡ riêng) cũng cần phải đúng giờ (sớm hơn càng tốt để có thời gian chào hỏi cấp ủy, chính quyền, địa phương để nắm thêm tình hình và chủ động gặp gỡ thăm hỏi trò chuyện với cử tri...), thái độ luôn thân thiện, cởi mở, trang phục giản dị, lịch sự, tránh cầu kỳ, diêm dúa, nhất là khi tiếp xúc với người lao động, với nông dân.
Trước khi TXCT, ĐBQH cần chuẩn bị đầy đủ thông tin, nếu TXCT sau kỳ họp Quốc hội thì chọn lọc và tóm tắt những ý chính, chuẩn bị thêm những thông tin mở rộng để cuộc TXCT thêm hấp dẫn, vì trong quá trình kỳ họp Quốc hội diễn ra, các cơ quan truyền thông đã phản ánh, truyền tải kịp thời và đầy đủ nội dung hàng ngày của kỳ họp.
Khi TXCT đại biểu cần trình bày rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn phù hợp hoàn cảnh, phù hợp trình độ người nghe. Do trình độ, nhận thức, tâm trạng, khả năng diễn đạt của mỗi người nên cử tri có những cách phát biểu khác nhau, ĐBQH cần phải lắng nghe để hiểu rõ vấn đề mà cử tri gởi gắm trong ý kiến của mình, không nên ngắt lời hay tỏ vẻ khó chịu về cách diễn đạt của cử tri, vấn đề nào chưa rõ thì hỏi lại.