Mường Thải mở rộng diện tích cây ăn quả

Với lợi thế về khí hậu, đất đai, xã Mường Thải, huyện Phù Yên là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả có múi lớn ở huyện Phù Yên với trên 145 ha, chiếm trên 20% tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Vườn cây ăn quả ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên.

Vườn cây ăn quả ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên.

Từ năm 2010 trở lại đây xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đầu tư cải tạo vườn tạp và chuyển đổi diện tích đất dốc trồng cây ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có múi, đến nay diện tích đã lên tới trên 145 ha, chủ yếu là cam, quýt, bưởi; sản lượng đạt hơn 1.500 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Mường Thải, cho biết: Cây ăn quả có múi tập trung chủ yếu ở bản Văn Phúc Yên, Khe Lành, bản Thải, bản Chiếu. Đây là các bản có lợi thế về đất đai, đồi có độ dốc vừa phải, khí hậu mát mẻ, nguồn nước tương đối ổn định so với các bản khác trong xã, phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả. Một số hộ dân có vườn cây ăn quả với quy mô vài ha được đầu tư bài bản, cho thu nhập cao, nhiều hộ giàu lên từ cây ăn quả với thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Trong quá trình phát triển cây ăn quả, xã Mường Thải nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, riêng năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Trồng thâm canh cây ăn quả có múi an toàn theo hướng hữu cơ” trên địa bàn xã Mường Thải, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho 1 ha bưởi da xanh bản Thải. Chi cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ mô hình ứng dụng IPM vào canh tác cam, quýt; đã hỗ trợ 40% chi phí mua vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật cho các hộ có diện tích trồng cam. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho các hộ dân trong xã.

Vườn cây ăn quả ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên.

Vườn cây ăn quả ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên.

Điểm mới ở xã là một số hộ đã liên kết thành lập HTX trồng cam Văn Yên, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nông nghiệp hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX trồng cam Văn Yên, cho biết: HTX thành lập năm 2016, hiện có 7 thành viên, quy mô sản xuất 23 ha, trong đó, 20 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là cam đường canh, cam Vinh, quýt ngọt, bưởi Diễn; sản lượng đạt 200 tấn quả/năm. Hiện, sản phẩm của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia theo TCVN 11041-2:2017 với diện tích 8 ha cam, 2 ha bưởi. Thu nhập bình quân của thành viên đạt 500 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Ngô Thị My, bản Văn Phúc Yên, từ năm 2017, đã chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 300 cây bưởi, 400 cây cam đường canh. Chị My chia sẻ: Thời gian đầu, gia đình đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng san ủi vườn, lắp đặt hệ thống tưới tự động, Sau hơn 5 năm cải tạo và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, đến nay, gia đình trồng gần 1 ha bưởi đào đường, hơn 1 ha cam đường canh, thu gần 500 triệu đồng/năm và đang hướng tới sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP.

Cùng với mở rộng diện tích cây ăn quả có múi, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, xã Mường Thải đang tập trung hướng đến xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi với người tiêu dùng. Vận động người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; liên kết thành lập các hợp tác xã trồng cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-thai-mo-rong-dien-tich-cay-an-qua-53595