Mượt mà tiếng hát đồng quê

Không chỉ sản xuất giỏi, nông dân Khánh Hòa còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động qua lời ca tiếng hát trữ tình, đằm thắm của mình. Liên hoan Tiếng hát đồng quê được tổ chức vào tối 10-8 tại Phiên chợ nông sản Khánh Hòa năm 2019 đã chinh phục người xem bằng chất thôn dã đặc trưng.

Khi nông dân hát

“Ở nhà ông ấy hát suốt ngày. Đi cày cũng hát. Đi gặt cũng hát. Vậy mà sao lên đây hát run thế không biết” - một khán giả, có vẻ như người thân của “ca sĩ” đang say sưa thể hiện tiết mục của mình trên sân khấu chia sẻ với người bên cạnh. Giữa không gian đậm chất thôn dã của Phiên chợ nông sản năm 2019, tiếng hát của người nông dân cất lên, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, khi dồn dập vui tươi. Ca ngợi quê hương đất nước, niềm hăng say lao động, tình yêu biển cả của Tổ quốc… là những đề tài được các đội thi lựa chọn.

 Đội Vạn Ninh thể hiện sự hồn hậu, dân dã.

Đội Vạn Ninh thể hiện sự hồn hậu, dân dã.

Mở đầu liên hoan, nhạc phẩm “Ca ngợi Tổ quốc” (nhạc sĩ Hồ Bắc) được các nông dân Nha Trang chuyển tải không chỉ qua tốp ca hùng tráng, mà còn mạnh dạn đầu tư trang phục, đạo cụ, kịch bản… Đáp lại, đôi song ca Bích Liên - Bích Nga cùng những chàng trai, cô gái đến từ huyện Vạn Ninh tung tẩy rộn ràng qua nhạc phẩm Mời anh về thăm quê em (nhạc sĩ Thùy Linh) với màn múa phụ họa vô cùng đáng yêu. Trong một tiết mục khác, đôi trai gái đến từ huyện miền núi Khánh Sơn, A. Huy và Bo Bo Thị Đạm dẫu không có màn múa phụ họa rực rỡ như của Nha Trang, Vạn Ninh, nhưng lại hoàn toàn chinh phục khán giả qua giọng ca cuốn hút, chững chạc khi thể hiện bài hát “Đường tàu mùa xuân” (nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn). “Đôi song ca này đã thể hiện rất tốt khí thế sôi nổi của lực lượng thanh niên xung phong trong việc phá núi mở đường khi Tổ quốc còn bị giày xéo bởi bom đạn của quân thù cũng như “lấp hố bom xây cuộc sống” khi đất nước hoàn toàn giải phóng”, thành viên Ban giám khảo đã thốt lên như vậy ngay sau tiết mục đặc sắc này.

Cả 3 tiết mục kể trên đều đạt giải A liên hoan. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao 5 giải B và 8 giải C cho các đội tham gia.

Hoạt động nhiều ý nghĩa

Với 16 tiết mục của 8 huyện, thị xã, thành phố, theo ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, liên hoan là dịp để nông dân thể hiện đời sống văn hóa hết sức phong phú của mình. Đây còn là dịp những người làm nông một nắng hai sương có dịp đến với nhau, gửi gắm tình cảm, tâm hồn của mình thông qua lời ca điệu múa.

Từ hàng ghế Ban giám khảo, nhạc sĩ Hình Phước Liên luôn tấm tắc trước màn thể hiện của các đội thi. Nhạc sĩ nhận xét, các đội đều đã có sự chuẩn bị chu đáo, công phu. Nhiều tiết mục có sự đầu tư thích đáng và tạo được sức cuốn hút mạnh mẽ. Điều quan trọng là liên hoan đã diễn ra trong không khí vui tươi, đậm chất giao lưu, biểu diễn.

Quả thật, không khó để có thể nhận ra một vài giọng ca vẫn còn khá run khi biểu diễn, những điệu múa đâu đó còn có chút lạc nhịp. Nhưng nét hồn hậu, mộc mạc đặc trưng là thứ chất men say đắm lòng người. Là một người theo dõi phong trào văn hóa văn nghệ của tỉnh, thường xuyên được mời làm giám khảo các cuộc thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho rằng: “Qua liên hoan này, tôi phát hiện ra nhiều nhân tố rất nổi bật, như: Thanh Huế - Thu Minh (Nha Trang), Bích Liên - Bích Nga (Vạn Ninh)… Tôi đặc biệt ấn tượng với 2 giọng ca A. Huy và Bo Bo Thị Đạm đến từ Khánh Sơn. Đây đều là những giọng ca tiềm năng, cuốn hút. Nếu tiếp tục được đầu tư, những giọng ca này sẽ phát triển hơn nữa”.

Hồng Đăng

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201908/muot-ma-tieng-hat-dong-que-8125333/