Mứt gừng của ngoại…

Nhà ngoại tiếng ở quê nhưng không còn nhiều đất. Đất đem chia hết mấy cậu dì mỗi người một mảnh xây nhà. Duy phía trước, nơi mảnh sân con tiếp giáp hàng rào còn lại độ mét đất dư. Sắp Tết, ngoại sẽ tận dụng luống đất đó trồng gừng.

Thành lệ, cuối năm ghé về nhà ngoại đằng nào cũng thấy luống gừng. Được chăm bón phân tro kĩ lưỡng nên gừng lên xanh mướt. Bà ngoại hay thiệt, giữ miết giống gừng đó. Ngoại cứ khen: “Cái giống gừng sao mà ngon, cay đã đời”. Tôi vốn sợ cay, nghe kể nhăn mặt: ““Cay đã đời” mà ngon gì ngoại ơi??” Ngoại cười móm mém: “Cha bây, gừng phải cay mới ngon! Gừng mà không cay thì gừng cái gì?”.

Số gừng ấy, ngoại đợi rằm tháng Chạp sẽ nhổ, chừa lại ít giống cho mùa sau còn đem cạo vỏ, bắc nồi luộc, xong dùng dao bén chẻ mỏng ngâm nước lạnh trước khi đem làm mứt. Chừng ấy việc mình ngoại lui cui làm, siêng gớm! Ngày nhỏ tôi rảnh việc, tháng Chạp hay chạy về chơi coi cách ngoại rim mứt gừng. Gừng ngâm đủ cữ ngoại vớt ra rổ để ráo, xong cho gừng lẫn đường vào chảo trộn đều. Ủ hỗn hợp trong chảo non buổi cho gừng ngấm đường xong ngoại bắc chảo lên lò than, nhóm lửa nhỏ cho đường từ từ tan chảy. Chảo nóng, đợi những hạt đường hoàn toàn tan ra nước, ngoại sẽ dùng đũa đảo sơ cho gừng ngấm nước đường thêm lần nữa. Đường sắp sôi, ngoại dùng đũa khéo léo moi, gắp số gừng nằm giữa chảo chất chồng lên lớp gừng quanh hông chảo. Gắp, chất cho tới lúc rìa chảo hóa “con đê” gừng vun cao chạy vòng, ôm khoảng giữa trống không như “cái giếng” sâu, hút tận đáy chảo! Tới lúc chảo mứt bốc hơi mù, tỏa ra mùi gừng thơm thì có đang làm gì ngoại cũng bỏ ngang để đi “canh chảo”. Dùng cái vá (muôi) nhỡ, ngoại đều đặn vục xuống “giếng” múc nước đường tưới đều lên “con đê” gừng xung quanh. Tưới lại tưới đi cho đến lúc nước cạn dần rồi khô, biến thành những tinh thể đường trăng trắng bám đều quanh từng miếng mứt. Vùi tro bớt để lửa lò còn hơi âm ấm, hong cho mứt trong chảo thật ráo. Tới lúc đưa đũa vô chảo thử đảo một vòng, nghe tiếng rổn rẻng của những lát mứt khô va vào đáy chảo ngoại mới nở nụ cười tươi buông đũa, đưa tay quệt mồ hôi chảy ròng…

Số mứt gừng “tâm huyết” tự trồng tự làm kia năm nào ngoại cũng đem chia cho các con mỗi nhà một túm dành ăn Tết. Đương nhiên, đãi khách đầu năm nhà ngoại luôn có món mứt gừng. Thấy cái cách ngoại nheo nheo mắt nhìn đĩa mứt, tay trân trọng nhón lát mứt khô cong đưa lên miệng cắn, hít hà nhai móm mém, xong gật gù thao thao về vị cay ngọt thơm tho trước khi nhón miếng thứ hai mời khách mới thấu hết tình yêu cái món ăn truyền thống đầu năm kia nơi ngoại lớn tới mức nào. Khách nghe ngoại nói chưa ăn cũng đã thấy ngon. Mà chắc ngon thật, bởi trừ những khách… sợ cay như tôi, còn lại đa số nếm xong món mứt gừng của ngoại đều gật gù xác nhận! Ngoại hay luôn miệng: “Tết mà không có mứt gừng là không phải Tết!”. Có lần tôi ngứa miệng toan cãi bị ba lừ mắt. Về nhà ba giảng giải: “Ngoại già rồi; món mứt gừng đầu năm là đam mê của ngoại, con không ăn được cũng không nên phản đối khiến ngoại buồn…”.

Năm nay tuổi ngoại tròn chín mươi. Tháng Chạp tôi ghé về thăm, thấy luống đất trước sân bỏ trống. Ngạc nhiên hỏi “Sao nay không trồng gừng ngoại hở?” Ngoại buồn buồn: “Còn giống kia mà tay ngoại run không trồng được. Mấy cậu mày kêu: trồng chi vất vả, ra chợ mua cho rồi…”.

Hai chín Tết qua nhà, thấy má ngồi làm mứt gừng. Tôi hỏi: “Ủa, nhà mình đâu ai ăn mứt gừng, má làm chi?”. Má nói: “Đi chợ gặp giống gừng ngon, mua làm cho ngoại mầy một đĩa ăn Tết…”.

Tạp bút: Y Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mut-gung-cua-ngoai-post282417.html