Mứt gừng Tết vào vụ sớm
Người làm nghề sản xuất mứt gừng phục vụ dịp Tết Nguyên đán tại thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, năm nay, do thời tiết lạnh nên khách hàng đặt mua mứt sớm hơn cùng kỳ năm trước.
Thôn Mỹ Chánh là nơi được nhiều người biết đến với nghề sản xuất mứt gừng. Bà Dương Thị Xuân (70 tuổi, trú thôn Mỹ Chánh) cho hay, nghề làm mứt gừng tại đây từ thế hệ cha ông đi trước truyền lại. Trước đây, việc sản xuất mứt gừng chủ yếu phục vụ nhu cầu của các gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Đến nay, việc sản xuất mứt gừng đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân tại địa phương.
Theo bà Võ Thị Thiều (61 tuổi, trú thôn Mỹ Chánh), như chế biến các món ẩm thực khác, để mứt gừng giòn, ngon đòi hỏi người chế biến phải có sự nhạy cảm để cảm nhận được sự vừa đủ trong mỗi công đoạn.
Từ kinh nghiệm đã tích lũy được, bà Thiều bật mí một số bí quyết trong chế biến mứt gừng như, gừng lựa chọn làm mứt phải là những củ không được quá già hoặc quá non, bởi lẽ, nếu già quá sẽ bị xơ khiến người ăn cảm thấy khó chịu và làm giảm độ giòn ngon của mứt, ngược lại, nếu gừng non quá thành phẩm tạo ra sẽ không đủ vị cay nồng và mùi thơm đặc trưng; khi luộc, bỏ thêm chanh vào sẽ giúp cho lát gừng có màu sắc bắt mắt; hay, nếu gừng đã luộc rồi mà không đem vào rim kịp thì phải bỏ vào ngâm trong nước sạch để tránh bị hư; ngoài ra, quá trình rim, người chế biến phải đảo liên tục để lát gừng thấm đều vị ngọt của đường, tránh tình trạng mứt chín không đều, miếng thì bị cháy sém, miếng thì chưa đủ độ giòn.
Là một hộ sản xuất mứt gừng với số lượng lớn tại thôn Mỹ Chánh, bà Lê Thị Mỹ Ny (40 tuổi) cho hay, năm nay, lượng khách đặt mua mứt gừng nhiều và sớm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Từ kinh nghiệm nhiều năm sản xuất mứt gừng bà Ny cho hay, những năm thời tiết ấm áp, lượng khách đặt mua hàng chỉ tăng mạnh từ cuối tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay, từ trước dịp Giáng sinh (khoảng đầu tháng 11 âm lịch) gia đình bà Ny đã phải thuê thêm người làm để sản xuất kịp đơn đặt hàng của khách.
Trò chuyện với nhiều người dân tại thôn Mỹ Chánh được biết, hiện tại mứt gừng đang được bán với giá thành khác nhau tùy thuộc theo số lượng và chất lượng sản phẩm khách hàng yêu cầu. Trong đó, phổ biến, giá bán sỉ đang được bán ở mức 46 - 47 nghìn đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, là nghề đã có từ lâu đời nên gần như gia đình nào ở thôn Mỹ Chánh cũng có thể chế biến mứt gừng. Trong đó, có 16 hộ dân tại thôn Mỹ Chánh sản xuất mứt gừng với quy mô lớn. Hiện, mỗi ngày có khoảng 15 - 20 lao động đang làm việc tại các cơ sở này.
Mỗi năm, các cơ sở sản xuất mứt gừng tại thôn Mỹ Chánh cung ứng ra thị trường khoảng 70 tấn mứt thành phẩm, qua đó, góp phần đáng kể trong sự phát triển kinh tế của các hộ gia đình tại thôn Mỹ Chánh nói riêng và toàn xã nói chung. Nghề sản xuất mứt gừng tại Mỹ Chánh đang tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động trên địa bàn.
Theo ông Bùi Văn Sinh, việc sản xuất mứt gừng tại thôn Mỹ Chánh mang ý nghĩa “kép”. Trong đó, ngoài giá trị về mặt kinh tế như trên, mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề các cơ sở phải tăng cường sản xuất để kịp cung ứng nhu cầu của khách hàng khiến không khí tại vùng quê này trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn. Không chỉ vậy, mùi mứt gừng phảng phất khắp đường làng, lối xóm cũng tạo ra hương vị đặc trưng riêng của vùng quê này - một hương vị gợi lên hình ảnh Tết đoàn viên và sum vầy.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mut-gung-tet-vao-vu-som-10270730.html