Mưu sinh bằng nghề cào hến trên sông

Văn hóa và Đời sống - Mỗi ngày từ 7h sáng đến 4h chiều, những người phụ nữ ở Thanh Hóa lại dầm mình dưới sông để cào hến kiếm tiền trang trải cuộc sống. Công việc vất vả nhưng cả ngày mỗi lao động cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng.

Mưu sinh bằng nghề cào hến ở sông Lèn - Video: Hoàng Đông.

Những ngày này, ở các khúc sông Chu, sông Mã, sông Lèn... từ huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Hà Trung… không khó để bắt gặp những tốp người mưu sinh bằng nghề cào hến.

Tại khúc sông Lèn (chạy qua địa phận huyện Hà Trung), có tới 5-6 tốp mưu sinh bằng nghề này. Nghề cào hến vất vả nhưng đã theo họ từ bao đời nay. Có người 10 tuổi đã đi cào cho đến nay đã gần 60 tuổi vẫn gắn bó với nghề này. Một ngày lênh đênh cào hến trên sông, họ thu về thu về được khoảng 40-50kg hến.

Theo những người làm nghề cào hến, đây là công việc đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai.

Người thợ phải cho cào ngập sâu xuống đáy sông rồi kéo lên cao, sau đó trút những thứ thu được gồm đất, đá, hến... mắc trong túi lưới vào những chiếc chậu nhựa để phân loại.

Sau khi hến được cào dưới sông lên, sẽ tiếp tục được sàng lọc cho sạch đất, sỏi đá và rong rêu. Công đoạn này đơn giản nhưng tốn khá nhiều thời gian và công sức do lượng bùn, rác bám trên hến nhiều. Khi hến đã sạch được cho vào bao tải, đưa vào bờ bán cho thương lái.

Đã có hàng chục năm mưu sinh bằng nghề cào hến, bà Nguyễn thị Thảo (50 tuổi, xã Định Công, Yên Định) cho biết, bà theo mẹ đi cào hến từ năm lên 10 tuổi và gắn bó với nghề này cho đến nay. Bà Thảo không biết nghề này có từ khi nào, chỉ biết khi lớn lên bà đã thấy những người trong làng mình làm nghề này rồi.

Nhiều năm qua, cả gia đình bà Thảo gồm 3 người cùng đi trên một chiếc thuyền mưu sinh bằng nghề cào hến. Hôm nào thuận nước thì cào được 30 đến 50kg, hôm nào nước to thì cũng chỉ được 5-7kg.

Một ngày đi cào hến bắt đầu từ 7h sáng đến 4h chiều, đó là thời gian nước sông rút, việc cào hến sẽ dễ dàng hơn. Giá hến giao động khoảng 10-15 nghìn/kg. Công việc vất vả nhưng cả ngày mỗi lao động cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng.

“Cái nghề này nhọc nhằn bởi mùa lạnh thì vẫn phải ngụp dưới nước, mùa nắng thì hơi nóng phả lên rát mặt nhưng thu nhập thì bấp bênh. Dù vậy, những người lao động như chúng tôi vẫn phải bám lấy nghề để sống” – bà Thảo tâm sự.

Mùa cào hết từ tháng 12 (âm lịch) đến tháng 4 năm sau. Những tháng còn lại thường gặp thời tiết mưa, nước sông lớn nên không đi cào hến được, lúc đó họ lại chuyển sang đi đánh cáy, đánh tôm.

“Những gia đình đi nhiều người thì thuyền được trang bị máy nổ, dụng cụ đánh bắt rất đơn giản gồm vài chiếc cào, vài cái chậu nhựa cào, rổ rá giá... chi phí tất cả vào khoảng hơn chục triệu đồng. Chúng tôi đi khắp các huyện, xuôi theo dòng chảy con nước. Còn những phụ nữ, trẻ em quanh con sông này thì thường dùng tay hoặc dùng cào, bắt nhỏ lẻ ngày 5-10kg làm thức ăn hoặc đem bán”- ông Nguyễn Văn Loan (xã Định Công, Yên Định) chia sẻ.

Cũng là người có thâm niên nhiều năm lênh đênh trên sông với nghề này, bà Đặng Thị Vui (54 tuổi, xã Thiệu Lộc, huyện Thiệu Hóa) tâm sự: “Có thời điểm mùa hè nắng lên đến hơn 40 độ, nước sông cũng nóng, lênh đênh trên nước khiến mặt mũi ai cũng đen sạm".

Ngoài làm ruộng, những tháng nông nhàn, người dân ven các con sông vẫn đi cào hến trên những dòng sông bao năm vẫn mang phù sa bồi đắp cho những bờ bãi quê nhà.

Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa-doi-song/muu-sinh-bang-nghe-cao-hen-tren-song/19408.htm