Mưu sinh nhưng không được làm trái pháp luật
Thời gian qua lực lượng CA TP Hà Nội đã nhiều lần vào cuộc xử lý tình trạng xe ba gác, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xuất hiện loại xe này lưu thông trên một số tuyến đường của Thủ đô.
Xử lý xe ba bánh, xe ba gác tự chế chở hàng cồng kềnh:
Cần kiên quyết xử lý triệt để
Mỗi khi lưu thông trên đường phố, thi thoảng chúng ta bắt gặp các loại xe gắn máy tự chế, ba gác chở những đồ gỗ, nội thất, vật liệu xây dựng cồng kềnh "nghênh ngang" trên các tuyến phố ở Thủ đô. Tình trạng này thường thấy nhiều trên các tuyến phố như: Trần Nhật Duật, Đê La Thành, Hào Nam, đường Láng, Giải Phóng,... Phần lớn xe ba gác, xe tự chế khá cũ, không bảo đảm an toàn, lại bị “cơi nới” để chở hàng. Việc chở theo hàng hóa có kích thước lớn khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế.
Một số người thường xuyên đi làm trên tuyến đường Đê La Thành, Láng Hạ cho biết, họ thường xuyên bắt gặp những chiếc xe chở hàng vượt quá kích thước quy định khi đi làm, trên xe chất đủ các mặt hàng từ thực phẩm, rau quả cho đến vật dụng gia đình, trang trí nội thất,... lao đi vun vút giữa dòng xe cộ hối hả. "Đôi lúc tôi đã chứng kiến xe ba gác chở những ống sắt bằng cổ tay, chiều dài thò ra ngoài thùng xe cả mét. Thay vì có biện pháp che chắn cẩn thận, chủ xe chỉ buộc một mảnh bao tải vào phần đuôi sắt thò ra để cảnh báo người đi đường.
Những người đi đường chẳng ai bảo ai đều không dám đi gần", một người tham gia giao thông trên tuyến đường Đê La Thành cho hay. Khảo sát ý kiến của nhiều người dân, phần lớn họ đều rất bức xúc với những tài xế chở nhiều hàng hóa cồng kềnh phóng "bạt mạng" trên đường phố, nhất là vào giờ trưa và chiều tối. Có nhiều gắn xe máy tự chế chở bàn ghế, giường tủ có chiều cao lên tới 1,8m-2m, nhưng vẫn len lỏi qua dòng phương tiện, thậm chí cả vượt đèn đỏ. Đó là chưa kể đến việc chở quá nhiều hàng hóa khi tham gia giao thông vào giờ tan tầm dễ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, cản trở việc đi lại của người dân.
“Xe tự chế, xe ba bánh, xe giả danh thương binh chở hàng hóa cồng kềnh, không được che đậy cẩn cận không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông trên đường. Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra đối với những loại xe này trong thời gian qua. Tôi kiến nghị CA TP Hà Nội cần đồng loạt ra quân, xử lý triệt để với những “hung thần” đường phố này đề người dân Thủ đô được sống trong an toàn”, chị Nguyễn Thị Huệ, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội mong muốn.
Cần tăng thêm chế tài xử phạt đủ sức răn đe
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội thông tin, thực hiện chỉ đạo của CA TP Hà Nội về việc xử lý nghiêm xe máy chở hàng cồng kềnh, là tác nhân tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, đơn vị đã giao các Đội CSGT căn cứ vào đặc thù của từng địa bàn tiến hành xử lý nghiêm.
Mới đây, cuối tháng 2/2014, Tổ công tác thuộc Đội CSGT – Trật tự, CA quận Hoàng Mai do Đại úy Tạ Đức Cường làm tổ trưởng, thực hiện nhiệm vụ tại nút đường giao Tam Trinh - Tân Mai nhằm xử lý các trường hợp xe ba bánh tự chế chở hàng cồng kềnh, xe giả danh xe thương binh hoạt động trái quy định gây mất an toàn giao thông.
Theo ghi nhận, chỉ trong một buổi chiều tổ công tác làm nhiệm vụ, hàng chục phương tiện như xe ba bánh, xe tự chế, xe máy chở hàng cồng kềnh đã bị tổ công tác yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra theo quy định. Một trong số đó là trường hợp của ông N.T.V (SN 1964, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) điều khiển xe ba bánh chở theo nhiều ống thép dài đến 6m nhưng không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo an toàn nào khi lưu thông trên đường. Ông N.T.V đã bị tổ công tác xử lý theo quy định, đồng thời ký biên bản cam kết không tái phạm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, xe tự chế vẫn “lộng hành” trên nhiều tuyến phố của Thủ đô cũng do chế tài xử lý đối với loại phương tiện này còn quá nhẹ nhàng. Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, pháp luật cũng đã có chế tài xử lý quy định tại mục b khoản 3 Điều 17, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Ngoài ra, điểm k khoản 4 Điều 6, Nghị định 46/NĐ-CP năm 2016 quy định, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Ngoài việc bị xử phạt tiền, người điều khiển xe chở hàng hóa cồng kềnh gây tại nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
“Thực tế, các quy định ở trên là mức xử phạt không cao khiến các chủ phương tiện rất “linh hoạt” trong xử lý tình huống. Khi bị lực lượng CSGT xử phạt, những chủ xe tự chế có giá trị cao sẵn sàng nộp phạt để lấy phương tiện ra, tiếp tục “hành nghề”. Còn với những phương tiện tự chế cũ nát, chủ xe sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến “vấn nạn” xe tự chế vẫn hàng ngày nghênh ngang trên các tuyến phố ở Thủ đô”, luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định.
Do đó, để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xuất phát từ những chiếc xe tự chế, xe ba gác, xe giả danh thương binh nêu trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ lực lượng CSGT, chính quyền địa phương… thì các nhà làm luật cần nghiên cứu tăng thêm các chế tài xử phạt để đủ sức răn đe. Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó chính là ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người điều khiển những loại phương tiện này khi tham gia giao thông.