Mưu sinh thời Covid

Thời gian này, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm lưu niệm, buôn bán hàng hóa tại các khu du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Song họ vẫn tìm cách xoay sở để vừa có thu nhập, vừa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch khi dịch Covid-19 qua đi.

Vài năm trở lại đây, Lâm Bình nổi lên là địa danh được nhiều khách du lịch tìm đến bởi vùng hồ sinh thái đầy quyến rũ, bởi vùng đất đa văn hóa, giàu bản sắc dân tộc. Có được kết quả này ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương còn là sự tâm huyết của những người làm du lịch với mong muốn du khách sẽ nhớ về Lâm Bình thông qua sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Vì vậy, dù mới manh nha phát triển nhưng cơ sở sản xuất đồ lưu niệm từ tre, nứa của Hợp tác xã Mây tre đan Nhật Minh, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà đã được nhiều người biết đến.

Các thành viên gia đình chị Triệu Thị Hải (ngoài cùng bên phải), thôn Tân Quang,xã Hoàng Khai (Yên Sơn) thêu trang phục truyền thống của người Dao đỏ.

Sản phẩm là những chiếc thìa, dĩa nhỏ xinh; cốc chén tiện dụng; giỏ, khay lạ mắt… không chỉ được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc. Song, đó là câu chuyện khi chưa có dịch Covid. Chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, trước đây đơn hàng xuất sang Thái Lan, Trung Quốc mỗi tháng ước đạt khoảng 35 triệu đồng thì nay phải hủy do dịch bệnh. Thị trường trong nước như Hà Nội, Lai Châu, Sơn La… cũng im ắng. Song trong thời gian chờ dịch qua, chị và các thành viên hợp tác xã thay vì sản xuất ồ ạt đã chú trọng tìm tòi, nghiên cứu thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, để làm sao các sản phẩm làm ra đẹp mắt, ấn tượng hơn. Cùng với đó, cơ sở vẫn đóng bàn, ghế từ tre, nứa để phục vụ nhu cầu trong nhân dân.

May mắn là nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này của người dân khá nhiều, trung bình mỗi tháng chị vẫn thu được lãi khoảng 10 triệu đồng. Từ đây chị cũng nhận thấy mặt hàng này có tiềm năng phát triển bởi giá cả phải chăng, khoảng 500 đến 600 nghìn đồng một chiếc bàn nên chị tính đến việc bổ sung danh mục này vào sản phẩm quà lưu niệm. Khách đến Lâm Bình ngoài việc lựa chọn sản phẩm gọn, nhẹ, tiện ích như cốc, chén, thìa… bằng tre, nứa thì có thể chọn mua bộ bàn, ghế tre nứa độc đáo này để đặt ở sân, vườn, hay trong phòng khách nhỏ gọn.

Không chỉ hợp tác xã, mỗi người dân làm du lịch cũng có cách làm riêng để thích ứng với hoàn cảnh. Hàng ngày, chị Triệu Thị Hải, thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) vẫn cần mẫn với từng đường kim, mũi chỉ làm ra những bộ quần áo truyền thống của dân tộc Dao Đỏ. Chị Hải bảo, quần áo của dân tộc Dao được làm khá cầu kỳ, phải mất cả năm mới hoàn thiện nên trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế việc đi ra ngoài chị đã dành thời gian làm quần áo dân tộc. Tuy số lượng bán ra ít, mỗi năm chỉ 1 - 2 bộ nhưng lại có giá khoảng 5 - 7 triệu đồng/bộ nên chị cũng có đồng ra, đồng vào. Hiện chị đang hướng đến mục tiêu quảng bá, giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ thông qua các cơ sở homestay.

Mưu sinh trong thời buổi người khôn của khó vốn đã khó khăn, nay gặp phải dịch bệnh còn khó khăn hơn nhiều. Bà Hoàng Thị Nghiệp, tiểu thương bán hàng ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) được hơn 10 năm bày tỏ: Trong thời gian nghỉ bán hàng do dịch bệnh Covid-19, bà đã tranh thủ đến từng nhà dân để tìm hiểu thêm về đặc sản của địa phương như gạo kén, chè, nấm hương, măng khô và nhiều vị thuốc của đồng bào dân tộc. Bà tin rằng, các đặc sản này nếu giới thiệu, quảng bá bài bản sẽ được du khách tìm mua và những tiểu thương như bà sẽ có cơ hội kiếm thêm thu nhập khi khách trở lại Tân Trào sau mùa Covid.

Xoay sở trong mùa dịch, mỗi người làm du lịch đều có cách làm riêng. Hướng đi của họ dẫu gặp phải không ít trở ngại nhưng ít nhiều họ cũng không bế tắc khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn. Và hứa hẹn mở ra cơ hội mới khi mùa dịch qua đi.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/muu-sinh-thoi-covid-131433.html