Mưu sinh với nghề lặn biển

Chỉ với chiếc bè xốp, kính lặn, bao tay, túi lưới và một đoạn tre ngắn, anh Trần Thanh Tuấn, ngụ xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) lặn dọc gành biển ở Hòn Nghệ bắt sò, ốc, cá... Công việc này giúp anh kiếm vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/ngày, đổi lại anh phải trầm mình từ 8-10 giờ dưới biển.

Chiều ở Hòn Nghệ yên bình. Phía cầu cảng, một nhóm khách du lịch xem anh Tuấn ngụp lặn dưới biển bắt ốc, sò… Anh Tuấn cho biết: “Tôi thường bắt được ốc the, sò lông, sò cò, sò tộ, sò quạt, ốc trinh nữ, ốc lưỡi búa… và cá múa. Hải sản bắt được vợ tôi nướng bán cho du khách, hôm nào nhiều thì cân cho thương lái hoặc tôi bán từ 70-80.000 đồng/kg tùy loại lớn nhỏ cho du khách”.

Quê gốc ở TP. Cần Thơ, anh Tuấn ra Hòn Nghệ lập nghiệp gần 20 năm và có hơn 10 năm làm nghề lặn biển mò ốc, sò. Đây là nghề tạo ra thu nhập chính của gia đình anh. “Ngày trước, ven gành Hòn Nghệ còn nhiều hải sản, lặn khoảng 1 giờ là bắt hơn 10kg hải sản nên nhiều người trên đảo làm nghề này. Giờ các loại ốc, sò ít, tôi lặn cả ngày bắt được khoảng 10kg, có ngày nhiều hơn, có ngày được vài con”, anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, nghề lặn biển ven gành có thể làm quanh năm. Khi gió mùa chướng, anh Tuấn lặn ở mặt nam và mùa gió nam anh lại về mặt chướng tránh gió, cứ như vậy hơn 10 năm, từ sáng sớm đến chiều tối, anh Tuấn bám gành Hòn Nghệ mưu sinh. Anh Tuấn chia sẻ: “Làm nghề lặn biển cần kinh nghiệm là nhìn con nước, thấy nước trong, biển lặng là được vì các loại ốc, sò có đặc tính biển êm mới ra ăn nhiều hơn”.

Anh Tuấn khoe sò, ốc các loại vừa bắt được.

Anh Tuấn khoe sò, ốc các loại vừa bắt được.

Theo anh Tuấn, anh đến với nghề lặn biển tình cờ. Anh ra đảo hay theo bạn lặn, bạn kêu sao anh làm vậy. Lúc đầu chưa quen nên anh bị sặc nước rồi bị gai nhum đâm… Vậy mà đến nay anh có thể trầm mình cả ngày dưới nước mà không thấy lạnh. “Mỗi ngày, sau khi ăn sáng, tôi đi lặn, trưa về nhà ăn cơm và nghỉ 30 phút rồi lặn tiếp. Mặc dù nghề lặn biển vất vả nhưng tôi quen rồi. Hôm nào mưa gió không đi lặn được tôi nhớ biển lắm”, anh Tuấn nói.

Dù nghề lặn biển vất vả nhưng anh Tuấn lạc quan với nghề của mình bởi theo anh lặn ven gành không nguy hiểm vì khu vực này nước nông, chỗ sâu nhất 5-6m. “Nghề lặn của tôi không thấm vào đâu so lặn ngoài khơi của các anh em. Đó mới thực sự là nghề nguy hiểm, dễ gặp bệnh lý về sau do mỗi lần lặn sâu từ 10-15m, có khi sâu hơn… So với lặn biển nước sâu, thu nhập của tôi không bằng nhưng cũng ổn. Giờ du lịch Hòn Nghệ phát triển, khách du lịch đến Hòn Nghệ nhiều nên tôi bán được hải sản giá tốt”, anh Tuấn cho biết.

“Tôi ở dưới nước nhiều nên da tay bị nhăn, bong tróc rồi đứt tay do mang cá cắt, có hôm sức khỏe không tốt nhưng tôi vẫn cố gắng lặn nên bị cảm… nhưng với tôi điều đó không quan trọng mà quan trọng là tôi vẫn khỏe để làm việc lo cho gia đình”, anh Trần Thanh Tuấn chia sẻ.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/muu-sinh-voi-nghe-lan-bien-8802.html