Mỹ-Ấn Độ 'rục rịch' chuẩn bị chuyến công du của Thủ tướng Narendra Modi
Các quan chức Ấn Độ hiện đang thảo luận với những người đồng cấp Mỹ để chốt lịch trình chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Narendra Modi vào cuối năm nay.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Washington cho biết, hai bên vẫn chưa quyết định ngày của chuyến thăm. Song khả năng diễn ra chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ có cơ sở sau cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval với người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken tại Washington mới đây.
Trong cuộc gặp trên, hai bên cam kết tăng cường quan hệ về thiết bị quân sự, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tới New Delhi vào tháng 9, tham dự các cuộc họp G20 do Ấn Độ đăng cai.
Hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến gặp nhau tại cuộc họp giữa năm của lãnh đạo các nước Bộ tứ (Quad) tại Sydney, Australia.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng và Ấn Độ nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Theo báo Financial Express, New Delhi đã khiến Washington thất vọng khi tham gia các cuộc tập trận quân sự với Nga và tăng cường mua dầu thô của nước này. Washington đã và đang thúc giục New Delhi hành động nhiều hơn để trừng phạt Nga vì phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Những quốc gia đó, cùng với Hàn Quốc, là chìa khóa trong chiến lược của Tổng thống Biden nhằm củng cố các liên minh khu vực và an ninh châu Á trước mối đe dọa như các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ Đài Loan và các vùng rộng lớn ở Biển Đông.
New Delhi hôm 31/1 đã tăng chi phí quốc phòng cho năm tài khóa tiếp theo lên tới 72,6 tỷ USD (tăng 13%) nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung máy bay chiến đấu và đường sá dọc biên giới với Bắc Kinh.
Ấn Độ và Trung Quốc chia sẻ đường biên giới dài 3.400 km vốn đang trong tình trạng tranh chấp từ những năm 1950.
Trả lời phỏng vấn hãng ANI, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Taranjit Singh Sandhu khẳng định, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng được tăng cường sau khi Thủ tướng Narendra Modi có chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên vào năm 2014. Với việc Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, sự giao lưu và các lĩnh vực thảo luận giữa hai nước ngày càng được mở rộng.