Mỹ, Anh, Đức và nhiều đồng minh đồng loạt trừng phạt Nga
Theo sau việc ông Putin công nhận Donetsk và Luhansk, Mỹ, Anh, Đức và đồng minh đồng loạt trừng phạt mạnh Nga. Moscow cảnh báo thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Vào ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận 2 khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass, miền đông Ukraine là các quốc gia độc lập chủ quyền.
Động thái này đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế, với nhiều quốc gia và tổ chức tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga. theo hãng tin Reuters.
Mỹ, Anh đi bước trừng phạt mạnh đầu tiên nhằm vào Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22-2 cho biết chính quyền Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, cũng như giới tinh hoa ở Nga và gia đình của họ.
Động thái trên của Mỹ là nhằm đáp trả lại việc Tổng thống Vladimir Putin công nhận 2 quốc gia cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine. Tổng thống Biden gọi sự công nhận này là "khởi đầu cho một cuộc tấn công" của Nga nhằm vào Ukraine.
Ông Biden cho biết các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng đối với ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội của Nga, Promsvyazbank. Hãng tin Tass trích dẫn tuyên bố từ Promsvyazbank cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không có tác động đáng kể vì họ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa trước đó, song không cung cấp thêm chi tiết.
Tổng thống Biden cho hay ông cũng đang làm việc với Đức để ngăn chặn hoạt động của đường ống dẫn dầu khí Nord Stream 2 và cắt "chính phủ Nga khỏi nguồn tài chính của phương Tây”.
Theo ông Biden, việc Tổng thống Putin công nhận 2 vùng lãnh thổ ly khai ở đông Ukraine là nhằm tạo “lý do để tấn công Ukraine”, đồng thời khẳng định việc Nga chuyển quân và thiết bị quân sự đến vùng Donbass cho thấy khả năng xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn.
“Nói một cách đơn giản, Nga vừa tuyên bố rằng họ đang muốn tiêu diệt một phần lớn lãnh thổ Ukraine. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục đứng về phía các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và chắc chắn cũng không có ý định chống lại Nga” - ông Biden tuyên bố.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt mới của nước này hoàn toàn là “các động thái mang tính phòng thủ”, đồng thời hứa sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt khác "nếu Nga tiến xa hơn đến một cuộc tấn công vào Ukraine".
Tổng thống Mỹ thừa nhận hành động của ông có thể sẽ khiến không chỉ Moscow "phải trả giá" mà bản thân Mỹ khả năng cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng.
"Tôi sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn để đảm bảo rằng ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt này là nhằm vào nền kinh tế Nga chứ không phải của chúng tôi" - ông Biden nói thêm.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với 5 ngân hàng Nga, bao gồm ngân hàng Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank.
Chính quyền London còn áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 “cá nhân có giá trị tài sản ròng rất cao” của nước này là các doanh nhân và tỉ phú nổi tiếng Gennady Timchenko, Igor Rotenberg và Boris Rotenberg.
Theo Thủ tướng Johnson, các cá nhân này sẽ bị cấm nhập cảnh vào nước này, trong khi tất cả các cá nhân và tổ chức của Anh sẽ bị cấm giao dịch với 3 doanh nhân cùng 5 ngân hàng trên.
Những biện pháp trừng phạt trên được mô tả là một phần của “đợt phản ứng đầu tiên” của London đối với quyết định của Moscow.
EU, Đức, Canada, Nhật lần lượt trừng phạt Nga
Liên minh châu Âu (EU), Đức, Canada và Nhật cũng đã công bố những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga về mặt tài chính trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang lo ngại về một cuộc tấn công vào Ukraine sắp xảy ra.
Hôm 21-2, chính quyền Đức thông báo đã cho ngừng hoạt động đối với hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga.
Cùng ngày, EU đã quyết định sẽ đưa thêm nhiều chính trị gia, nhà lập pháp và quan chức Nga vào danh sách đen, đồng thời cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu với Nga và cấm các hoạt động xuất nhập khẩu với 2 khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Tại Nhật, Thủ tướng Fumio Kishida cũng đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga và 2 khu vực ly khai của Ukraine nhằm tìm cách gây áp lực buộc Nga quay trở lại các giải pháp ngoại giao.
Thủ tướng Kishida hôm 22-2 cho biết chính phủ của ông sẽ cấm phát hành và phân phối trái phiếu với chính phủ Nga để đáp lại “những hành động mà Nga đã và đang thực hiện ở Ukraine”.
Ông nói thêm rằng Nhật cũng sẽ đình chỉ việc cấp thị thực cho những người có liên hệ với 2 khu vực ly khai ở miền đông Ukraine và đóng băng tài sản của họ tại Nhật, đồng thời sẽ cấm các hoạt động giao thương với 2 khu vực này.
Thủ tướng Nhật lặp lại "sự lên án mạnh mẽ" của mình đối với Nga vì đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như luật pháp quốc tế: “Chúng tôi kêu gọi Nga quay trở lại ngay với giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng”.
Trong khi đó, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada đang gửi thêm hàng trăm binh sĩ tới Đông Âu và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga để đáp trả việc nước này triển khai lực lượng vào Ukraine.
Thủ tướng Trudeau cho biết 460 binh sĩ Canada bổ sung đang được cử đến Latvia và khu vực xung quanh để củng cố NATO trước nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công của Nga, thêm rằng Canada đang thực hiện một số bước cùng với các đồng minh để cô lập Nga về mặt tài chính.
Nga cảnh báo về một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn
Trước động thái mới của cộng đồng quốc tế, các quan chức chính quyền Moscow cho rằng chính các nước phương Tây và đồng minh của họ sẽ phải lãnh hậu quả cho hành động của mình.
Chuyên gia Dmitry Marinchenko, Giám đốc Tập đoàn tài nguyên và hàng hóa Fitch của Nga cho biết các lệnh trừng phạt trên có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới khi giá dầu khí tăng cao trong khi nguồn cung thiếu hụt.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng “các nước châu Âu, Mỹ và Anh sẽ không dừng lại và sẽ không bình tĩnh cho đến khi họ sử dụng hết khả năng của mình để đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga”.