Mỹ, Anh, Pháp kêu gọi Israel kiềm chế ở Dải Gaza

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ tình đoàn kết với Israel nhưng cũng kêu gọi Israel kiềm chế để bảo vệ dân thường ở Dải Gaza.

Ngày 12-10, thời điểm cuộc xung đột Israel-Hamas xảy ra 6 ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có mặt ở Israel và gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đài ABC News đưa tin.

Trong cuộc họp báo chung sau đó với Thủ tướng Netanyahu tại trụ sở Bộ Quốc phòng Israel, ông Blinken khẳng định Mỹ sẽ luôn sát cánh với Israel trong cuộc chiến chống Hamas.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp báo tại trụ sở Bộ Quốc phòng Israel, ở Tel Aviv (Israel) ngày 12-10. Ảnh: AP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp báo tại trụ sở Bộ Quốc phòng Israel, ở Tel Aviv (Israel) ngày 12-10. Ảnh: AP

Theo ông Blinken, một số lượng viện trợ quân sự từ Mỹ đã được chuyển đến Israel và nhiều viện trợ quân sự hơn đang được chuyển đến. Ông Blinken đảm bảo chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ làm việc với Quốc hội để đáp ứng các nhu cầu bổ sung của Israel, và rằng sự ủng hộ của lưỡng đảng dành cho Israel là "rất nhiều".

Ông Netanyahu đánh giá chuyến thăm của ông Blinken là một "ví dụ hữu hình về sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ đối với Israel".

Mỹ, Anh, Pháp kêu gọi Israel kiềm chế

Dù bày tỏ tình đoàn kết với Israel nhưng ông Blinken cũng kêu gọi Israel kiềm chế để bảo vệ dân thường ở Dải Gaza.

“Điều quan trọng là phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để tránh làm hại dân thường, …chúng tôi thương tiếc sự mất mát của mọi sinh mạng vô tội, thường dân thuộc mọi tín ngưỡng, mọi quốc tịch…” - ông Blinken nói trong cuộc họp báo chung với ông Netanyahu.

Ông Blinken cũng cho rằng một trong những điều khiến dân thường ở Dải Gaza gặp nguy hiểm là “Hamas tiếp tục sử dụng dân thường làm lá chắn sống”.

Trước đó, ngày 12-10 Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cảnh báo rằng Israel dù có “tức giận và thất vọng” cũng “phải tuân theo luật chiến tranh”.

 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm một trung tâm quyên góp dành cho các nạn nhân bị Hamas tấn công, ở Tel Aviv (Israel) ngày 12-10. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm một trung tâm quyên góp dành cho các nạn nhân bị Hamas tấn công, ở Tel Aviv (Israel) ngày 12-10. Ảnh: AP

Điện đàm với Thủ tướng Netanyahu ngày 12-10, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định rằng Anh “sát cánh cùng Israel trong cuộc chiến chống khủng bố”, nhưng cũng lưu ý phải thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ người dân Palestine và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động viện trợ nhân đạo.

Trong ngày 12-10 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng rằng Israel “có quyền tự vệ”, “nhưng đồng thời bảo vệ sự an toàn của dân thường”.

Qua 6 ngày xung đột, Israel mất ít nhất 1.300 sinh mạng, số người chết ở Dải Gaza lên gần 1.400 người, một phần lớn là dân thường.

 Khóc thương người thân thiệt mạng trong xung đột Israel-Hamas, tại một đám tang ở Tel Aviv (Israel) ngày 11-10. Ảnh: AP

Khóc thương người thân thiệt mạng trong xung đột Israel-Hamas, tại một đám tang ở Tel Aviv (Israel) ngày 11-10. Ảnh: AP

Ngày 12-10, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel Richard Hecht cho biết lực lượng này đã sẵn sàng nhận mệnh lệnh đổ bộ sang Dải Gaza. Israel đã huy động 300.000 quân dự bị và điều động lực lượng, xe tăng, thiết giáp hạng nặng tới các vùng sa mạc phía nam xung quanh Dải Gaza, khu vực hứng cuộc tấn công với 5.000 quả rocket của Hamas sang 7-10.

Mỹ đàm phán Israel bảo vệ dân Dải Gaza

Khi được hỏi về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza, ông Blinken cho biết đang có các cuộc đàm phán nhằm “giải quyết các nhu cầu nhân đạo và người dân sống ở Gaza, để bảo vệ họ khỏi bị tổn hại”.

 Nhà cửa đổ sập trong giao tranh ở Dải Gaza ngày 11-10. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Nhà cửa đổ sập trong giao tranh ở Dải Gaza ngày 11-10. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Israel đã cắt nguồn cung cấp nước, thực phẩm và điện với Dải Gaza. Bộ trưởng Năng lượng Israel - ông Israel Katz cho biết cuộc bao vây toàn diện ở Dải Gaza sẽ tiếp tục cho đến khi những người bị Hamas bắt được trả tự do.

Ai Cập đã mời các chính phủ và tổ chức gửi viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza tới sân bay al-Arish ở phía bắc Sinai. Cairo cho biết cửa khẩu Rafah, cửa khẩu duy nhất vào Gaza mà Israel không kiểm soát, vẫn mở.

 Người dân Palestine trú ẩn tại cơ sở thuộc Chương trình Hỗ trợ người tỵ nạn Palestine ở Cận Đông tại Dải Gaza ngày 12-10. Ảnh: ANADOLU/GETTY IMAGES

Người dân Palestine trú ẩn tại cơ sở thuộc Chương trình Hỗ trợ người tỵ nạn Palestine ở Cận Đông tại Dải Gaza ngày 12-10. Ảnh: ANADOLU/GETTY IMAGES

Vị Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ông đã thảo luận với Israel về khả năng cho phép người Palestine rời khỏi Dải Gaza. Một nhà ngoại giao Ả Rập cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Qatar đang bàn bạc với Mỹ xúc tiến nói chuyện với Israel và Hamas nhằm tìm tự do cho các con tin.

Mỹ nỗ lực ngăn xung đột lan rộng

Tại Tel Aviv, ông Blinken cũng cảnh báo các chủ thể khác trong khu vực không nên “lợi dụng” cuộc khủng hoảng để tấn công Israel, trong bối cảnh có lo ngại rằng một cuộc xung đột rộng hơn có thể thu hút các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, Syria và các nơi khác. Theo tờ Financial Times, Mỹ đang lo ngại xung đột Israel-Hamas có thể lan rộng thành mặt trận thứ hai Israel-Hezbollah, nhóm chiến binh Lebanon được Iran hậu thuẫn, ở biên giới phía bắc của Israel.

 Chiến binh Hamas chiến đấu tại Dải Gaza. Ảnh: CNN

Chiến binh Hamas chiến đấu tại Dải Gaza. Ảnh: CNN

Mỹ và Saudi Arabia tăng cường nỗ lực ngăn chặn xung đột Israel-Hamas leo thang thành một cuộc xung đột khu vực.

Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman đã thảo luận về cuộc xung đột qua điện thoại với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, nhằm ngăn chặn cuộc chiến Israel-Hamas lan rộng. Thái tử Mohammed cho biết Saudi Arabia “đang liên hệ với tất cả các bên quốc tế và khu vực để chấm dứt tình trạng leo thang hiện nay”.

Sau Israel, sáng 13-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thủ đô Amman (Jordan), theo tờ Jerusalem Post. Tại đây ông Blinken sẽ gặp Vua Jordan Abdullah và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Sau Jordan ông Blinken sẽ sang Qatar.

Các điểm đến còn có Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, theo lời ông Blinken.

Sứ mệnh chính của ông Blinlen là nhằm trao đổi đề nghị các nước này giúp ngăn chặn xung đột và “sử dụng đòn bẩy của họ với Hamas để thả con tin ngay lập tức và vô điều kiện”.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-anh-phap-keu-goi-israel-kiem-che-o-dai-gaza-post756279.html