Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với giới tinh hoa của Nga
Hôm thứ Năm, chính quyền Tổng thống Biden đã ra lệnh trừng phạt mới nhằm ngăn chặn các nhà tài phiệt kinh doanh Nga và những người khác 'thân thiết' với Tổng thống Vladimir Putin nhằm đáp trả hoạt động quân sự của lực lượng Nga đối với Ukraine.
Những người bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt mới bao gồm thư ký báo chí của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov và Alisher Burhanovich Usmanov, một trong những cá nhân giàu có nhất của Nga và là đồng minh thân cận của Tổng thống.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố áp đặt lệnh cấm thị thực đối với 19 nhà tài phiệt Nga cùng hàng chục thành viên gia đình và cộng sự thân cận của họ.
Nhà Trắng cho biết các nhà tài phiệt và hàng chục thành viên gia đình của họ sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Tài sản của họ tại Hoa Kỳ sẽ bị đóng băng và tài sản của họ sẽ bị phong tỏa quyền sử dụng.
"Mục tiêu là tối đa hóa tác động lên ông Putin và Nga, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho chúng tôi và các đồng minh cũng như bạn bè trên toàn thế giới", ông Biden nói khi đề cập đến các biện pháp trừng phạt mới tại cuộc họp với Nội các và Phó Tổng thống Kamala Harris.
Tài sản của ông Usmanov và những người khác sẽ bị chặn sử dụng ở Hoa Kỳ và bởi người Mỹ. Tài sản của ông bao gồm siêu du thuyền, một trong những chiếc lớn nhất thế giới và máy bay phản lực riêng, một trong những máy bay tư nhân lớn nhất của Nga.
Theo Kho bạc, siêu du thuyền của ông Usmanov, được gọi là Dilbar, được đặt theo tên mẹ ông và có giá trị ước tính từ 600 triệu đến 735 triệu USD. Dilbar có hai sân bay trực thăng và một trong những hồ bơi trong nhà lớn nhất thế giới từng được lắp đặt trên du thuyền và chi phí vận hành khoảng 60 triệu USD mỗi năm. Chiếc máy bay được nhắm mục tiêu được cho là có giá từ 350 triệu đến 500 triệu USD và trước đó đã được tổng thống Uzbekistan cho thuê để sử dụng.
Những người khác bị nhắm mục tiêu vào thứ Năm bao gồm Nikolai Tokarev, một giám đốc điều hành dầu của Transneft; Arkady Rotenberg, đồng sở hữu của công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt và đường dây cung cấp điện lớn nhất ở Nga; Sergei Chemezov, một cựu điệp viên KGB, người đã thân thiết với ông Putin từ lâu; Igor Shuvalov, cựu phó thủ tướng thứ nhất kiêm Chủ tịch State Development Corp; và Yevgeniy Prigozhin, một doanh nhân Nga có quan hệ mật thiết với Tổng thống.
Ông Prigozhin, người được mệnh danh là “đầu bếp của Putin”, nằm trong số những người bị chính phủ Hoa Kỳ buộc tội vào năm 2018 vì là một phần của nỗ lực trên diện rộng nhằm gây ảnh hưởng quan điểm chính trị ở Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Theo cáo trạng sau đó, ông Prigozhin và các công ty của ông đã cung cấp nguồn tài chính đáng kể cho Cơ quan Nghiên cứu Internet, một nhóm có trụ sở tại St.Petersburg bị cáo buộc sử dụng các bài đăng và quảng cáo không có thật trên mạng xã hội nhân danh người Mỹ để gây ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo cho biết hôm thứ Năm rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào giới tinh hoa Nga khi họ xây dựng các biện pháp trừng phạt chống lại nước này.
“Chúng tôi sẽ khiến họ khó sử dụng tài sản trong tương lai”, ông Adeyemo cho biết tại một sự kiện do The Washington Post tổ chức. Ông nói thêm, "Mục tiêu của chúng tôi sau đó là tìm ra số tiền đó và đóng băng số tiền đó và thu giữ nó".
Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và thực thể Nga hàng ngày kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine
Một khía cạnh đáng chú ý của các lệnh trừng phạt mới nhất là mức độ mà Hoa Kỳ trừng phạt các thành viên gia đình của các nhà tài phiệt và những người thân cận nhất với Tổng thống Putin. Luật chống rửa tiền được Quốc hội thông qua gần đây đã giúp Kho bạc tiết lộ và nhắm mục tiêu những đối tượng như vậy.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cho đến nay vẫn miễn cưỡng tấn công lĩnh vực năng lượng của Nga bằng các lệnh trừng phạt vì lo ngại rằng điều này sẽ gây tổn hại cho Mỹ và các đồng minh cũng như người Nga. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, "Chúng tôi không có lợi ích chiến lược trong việc giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu".