Mỹ áp mức thuế 'khủng' làm khó cá tra Việt Nam

Đối với thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam phải chịu cảnh 'một cổ hai tròng', đó là thuế chống bán phá giá và chương trình giám sát cá da trơn.

Mức thuế cao kỷ lục

Với mức thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước đến nay, dự báo chỉ còn đúng hai doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu cá tra vào Mỹ là Công ty Vĩnh Hoàn và Biển Đông nhờ đóng mức thuế suất theo thỏa thuận.

 Nuôi cá tra ở ĐBSCL - thủ phủ của cá tra Việt Nam

Nuôi cá tra ở ĐBSCL - thủ phủ của cá tra Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, theo quyết định cuối cùng này của Mỹ, có 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thuộc nhóm này, mức thuế quyết định cuối cùng của Mỹ cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9/2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, mức thuế chống bán phá giá còn được Mỹ áp cao ngất ngưỡng đối với hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam lên tới 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam.

Mức thuế 7,74 USD/kg cao 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.Mỹ áp thuế cao nhất trong lịch sử, cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Godaco, cho rằng với mức thuế cao này thì coi như cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang Mỹ. Mức thuế gần 4 USD/kg là bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mức thuế gần 8 USD/kg cao gấp đôi giá xuất khẩu thì DN xuất khẩu ôm lỗ. Hiện tại công ty ông đã khai thác sang các thị trường khác như châu Âu, Trung Quốc…

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết trải, qua 13 kỳ xem xét hành chính thì đây là lần đầu tiên DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ vừa qua.

VASEP cho rằng, kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ.

Hiệp hội VASEP phản đối quyết định thiếu công bằng của DOC trong quyết định của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 vừa được công bố, đồng thời đề nghị DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty, không được quyền áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn (AFA) để tính mức thuế cho các công ty.

Video: Cận cảnh cá tra bạch tạng quý hiếm xuất hiện trên sông Cổ Chiên

"Một cổ hai tròng"?

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 16/3 tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 vượt 8 tỷ USD, trong đó cá tra đạt 1,78 tỷ USD, vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, đối với thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", đó là thuế chống bán phá giá và chương trình giám sát cá da trơn, khiến xuất khẩu qua thị trường này giảm sút khá lớn.

 Với mức thuế cao, cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Với mức thuế cao, cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Năm 2017 là năm Mỹ chính thức thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại (Farm Bill) áp dụng đối với các sản phẩm cá da trơn, ông Vũ Văn Tám cho hay.

Cụ thể, từ ngày 2/8/2017, toàn bộ lô hàng cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu sự kiểm soát của Cục Kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho công tác đánh giá tương đương cũng như tuyên truyền, hướng dẫn việc thực thi. Ngày 28/2/2018, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có văn bản chính thức về kết quả đánh giá dựa trên văn bản pháp lý, tài liệu có liên quan mà phía Việt Nam cung cấp.

Theo đó, những quy định của Việt Nam là tương đương với quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng đang được áp dụng tại Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ sẽ tổ chức đoàn qua Việt Nam đánh giá thực tế thực thi những quy định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá da trơn tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, đây thực sự là "cuộc chiến" của cá tra Việt Nam. Mục tiêu năm 2018 của Việt Nam là xuất khẩu cá tra đạt 2 – 2,2 tỷ USD là một kỳ vọng lớn, nhưng không đơn giản mà là một bài toán nan giải, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất cao.

>>> Đọc thêm: Cá tra 'quên' thị trường nội địa?

Nguồn: VOV.VN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-ap-muc-thue-khung-lam-kho-ca-tra-viet-nam-d375304.html