Mỹ áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu tác động thế nào tới doanh nghiệp?
Việc Mỹ áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu được đánh giá là sẽ tác động không nhỏ tới doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả các doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất, xuất khẩu hai sản phẩm này.
Ngày 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 4/3 và sẽ không có trường hợp loại trừ nào.
3 nước xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất vào Mỹ là Canada, Brazil và Mexico, tiếp theo là Hàn Quốc và Việt Nam. Thép nhập khẩu vào Mỹ chủ yếu phục vụ sản xuất ô tô, hàng tiêu dùng xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu đường, đường ống dẫn dầu. Nhôm phục vụ cho ngành sản xuất đồ uống, sản xuất ô tô, máy bay, dây điện và công trình cơ sở hạ tầng khác.
Báo cáo của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết, trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính sách về thuế thép và nhôm của Tổng thống Donald Trump đã làm giá của 2 mặt hàng này tại Mỹ tăng lần lượt là 2,4%, 1,6%. Giai đoạn 2017-2019, sản xuất thép tại Mỹ đã tăng 6,8 triệu tấn, tương đương 7,5% nhưng không bù đắp được thép nhập khẩu vào Mỹ ở mức 10,2 triệu tấn, tương đương 27%.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_304_51449605/d50a3ca809e6e0b8b9f7.jpg)
Các nước xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất vào Mỹ lần lượt là Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc, Việt Nam.
Điều trần trước Quốc hội Mỹ cuối tuần trước, ứng cử viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, các nước cần giảm rào cản đối với hàng xuất khẩu của Mỹ để được quyền tiếp cận thị trường tại nước này. Bộ Thương mại Mỹ sẽ làm việc với từng đối tác thương mại lớn lớn để thảo luận và tháo gỡ vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và các nước hiện nay.
Tuyên bố áp thuế này của Mỹ được đánh giá là sẽ tác động không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam. Trong đó có cả các doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất, xuất khẩu hai sản phẩm này.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại tác động của động thái này tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có tác động tác các doanh nghiệp trong nước của Mỹ. Hiện các nước đã có biện pháp để đáp trả.
Phản ứng về mức thuế quan mới của Mỹ, Thủ tướng Đức cảnh báo việc Mỹ áp thuế cao hơn sẽ chỉ có hại cho tất cả các bên. Đức sẽ xem xét kỹ lưỡng vấn đề này với tư cách là Liên minh châu Âu, bất kỳ nước nào áp đặt thuế quan đều phải lường trước được các mức thuế quan trả đũa.
Một trong những lựa chọn được châu Âu xem xét là tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ Mỹ. Theo các nhà phân tích, thuế quan có thể phản tác dụng đến chính doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Nhiều ngành công nghiệp Mỹ sử dụng kim loại để chế tạo ô tô, đóng gói đồ hộp và nhiều mặt hàng khác sẽ phải đối mặt với giá thành tăng cao sau khi chính sách thuế mới có hiệu lực. Giá giao dịch của một chiếc xe ô tô mới có thể tăng đáng kể vì nó đang ở mức cao nhất và người tiêu dùng không muốn tiêu thụ với mức giá đó.
Điều này sẽ gây ra sự phản kháng đối với nhu cầu, gây ra các vấn đề lớn hơn về sau như việc cắt giảm sản lượng và mất việc làm.
Sau quyết định tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu, Tổng thống Mỹ Trump cũng đang xem xét thuế quan đối với ô tô, chip bán dẫn và dược phẩm. Tổng thống Mỹ cho biết, sẽ có những biện pháp trả đũa đối với các nước trả đũa quyết định tăng thuế của Mỹ.
Ngành nhôm thép của Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ tới quyết định tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, Mỹ đã áp dụng thuế lần lượt 10%, 25% cho mặt hàng nhôm, thép.
Tất cả các mặt hàng nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ tác động khi mức thuế tăng thêm 15%. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 480 triệu USD nhôm và sản phẩm nhôm sang thị trường Mỹ, tăng 9,5% so với năm trước. Trong khi xuất khẩu thép và sản phẩm thép của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng gần 159%.
Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng vẫn khá bất ngờ trước thay đổi này. Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho rằng đây là khó khăn chung của tất cả doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất khẩu trực tiếp và cũng là khó khăn cho nhiều doanh nghiệp không có hoạt động xuất khẩu trực tiếp.
Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam sẽ chủ động tìm các nguồn cung ứng giảm chi phí sản xuất, cắt giảm lợi nhuận, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường thay thế mà có ký các điều khoản hiệp định thương mại với Việt Nam. Tránh để doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường cụ thể.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ chú trọng để các doanh nghiệp tuân thủ quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ, sẵn sàng tham gia đầy đủ cho quá trình điều tra về các vụ việc phòng vệ thương mại.