Mỹ áp thuế 46%: Doanh nghiệp TP.HCM 'nín thở' chờ giải pháp

VOV.VN -Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lớn từ việc Hoa Kỳ sắp áp thuế 46%. Tại buổi gặp gỡ khẩn cấp chiều 8/4 do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức với các hiệp hội ngành nghề, nhiều kiến nghị được đưa ra, trong đó cấp thiết nhất là việc Chính phủ cần đàm phán với Mỹ để hoãn thời gian áp thuế.

Mỹ áp thuế 46%, đe dọa xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội đồng loạt kiến nghị Chính phủ đàm phán với phía Hoa Kỳ để có thể trì hoãn thời gian áp thuế từ 45 đến 90 ngày.

Theo họ, đây là khoảng thời gian tối thiểu để doanh nghiệp có thể chuẩn bị phương án ứng phó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ xem xét chính sách hỗ trợ tín dụng trong khoảng 3 đến 6 tháng, tương tự như giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nhằm giúp họ giải quyết những đơn hàng đang tồn đọng, nếu việc đàm phán không mang lại kết quả tích cực.

Lãnh đạo Sở Công thương trao đổi với các doanh nghiệp

Lãnh đạo Sở Công thương trao đổi với các doanh nghiệp

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM (HaWa), cho biết ngành chế biến gỗ của thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi có đến 52% doanh nghiệp có thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, chiếm hơn 50% tổng doanh số xuất khẩu.

Kết quả khảo sát gần đây của hội cho thấy mức thuế 46% là quá cao và hầu như không thể đáp ứng, ngay cả khi doanh nghiệp đã cố gắng giảm chi phí sản xuất.

Vì vậy, việc đàm phán hoãn thuế là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian thích ứng và dần chuyển hướng sang các thị trường khác như: Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Canada.

Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết: “Chúng ta không thể đàm phán đưa mức thuế giảm xuống 0%, đó là chuyện không tưởng. Nếu Mỹ áp mức thuế nhập khẩu sản phẩm gỗ 15-20% thì ngành chế biến sản phẩm gỗ có thể tồn tại được. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm sáng kiến để có ưu đãi thuế cho Việt Nam. Hiện mình nhập khẩu gỗ ở Mỹ khá nhiều. Tôi nghĩ đến làm C/O from Hoa Kỳ, trong đó sản phẩm đồ gỗ làm từ gỗ của Mỹ xuất sang Mỹ thì hy vọng được hưởng thuế suất ưu đãi 0%”.

Không chỉ ngành gỗ, các doanh nghiệp cơ khí cũng đang lao đao. Ông Bùi Huy Tùng, Công ty Win-Win, thông tin rằng 99% hàng cơ khí sản xuất tại Việt Nam của doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ.

Ngay từ tháng 3, khi Mỹ áp dụng mức thuế mới 25%, nhiều khách hàng đã đặt cọc và hàng hóa đã sản xuất xong. Tuy nhiên, sau khi có thông tin về thuế đối ứng, họ đã yêu cầu dời lịch nhận hàng, thậm chí chưa xác định được thời gian nhận hàng cụ thể.

Theo ông Bùi Huy Tùng, thuế đối ứng không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu mà còn tác động tiêu cực đến sức mua của thị trường Mỹ.

Ông cũng ghi nhận những phản ứng nhanh chóng của Chính phủ trong thời gian qua, đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các gói đầu tư công ở thị trường nội địa.

Cần "phao cứu sinh"?

Cùng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, đề xuất các cơ quan chức năng và Thành phố tạo điều kiện để doanh nghiệp cơ khí, điện tham gia đầu tư công, tiếp cận thông tin và có sự chuẩn bị ngay từ đầu:

“ Các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, điện có thể chuyển hướng thị trường từ Mỹ sang thị trường đầu tư công. Điều này vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ và nhiều yếu tố tích cực khác, việc này mình triển khai được thì làm được”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM trao đổi những giải pháp ứng phó với việc Mỹ áp Thuế Đối ứng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM trao đổi những giải pháp ứng phó với việc Mỹ áp Thuế Đối ứng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, nhận định rằng Việt Nam khó có thể đối đầu trực tiếp mà cần tận dụng tối đa việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình trạng hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên điều hành tỷ giá một cách linh hoạt để ứng phó với dòng vốn đảo chiều.

Về lâu dài, Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt cho ngành dệt may:

“ Chúng ta cần phát triển công nghiệp hỗ trợ và tự chủ nguồn nguyên liệu. Nhờ đó, có thể phát triển thông qua các cụm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Trong bối cảnh thế giới bất ổn hiện nay mở ra xu hướng mới, buộc chúng ta phải sử dụng năng lượng sạch, phát triển công nghiệp dịch vụ, đẩy mạnh chuỗi cung ứng mới và chuyển đổi số...".

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/my-ap-thue-46-doanh-nghiep-tphcm-nin-tho-cho-giai-phap-post1190580.vov