Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: mức thuế có công bằng?

Việc Mỹ đưa ra quyết định áp đặt mức thuế mới 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ…

Áp đặt mức thuế mới 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ. Ảnh: Hùng Việt

Áp đặt mức thuế mới 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ. Ảnh: Hùng Việt

Cộng đồng DN lo lắng

Ngày 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump chính thức công bố những thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Mỹ, bao gồm việc áp dụng các mức thuế gây sốc với nhiều quốc gia. Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia và sẽ có hiệu lực từ ngày 5-4 nhằm đáp lại những "thực hành thương mại không công bằng" và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước của Mỹ.

Bên cạnh đó, các mức thuế bổ sung đã được áp dụng cho khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ, áp dụng từ ngày 9/4. Các quốc gia Đông Nam Á nằm trong nhóm những nước bị đánh thuế cao nhất, lần lượt là 49% với Campuchia, 48% với Lào và 46% với Việt Nam. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ cũng không nằm ngoài danh sách này gồm: Trung Quốc 34% (cộng với thuế 20% trước đó, nâng tổng mức thuế lên 54%), Liên minh châu Âu 20%, Ấn Độ 26%.

Mexico và Canada sẽ không bị áp mức thuế mới nhưng vẫn phải chịu thuế 25% mà Washington đã áp dụng từ tháng trước để đối phó với vấn nạn fentanyl và tình trạng di cư từ Mexico. Tổng thống Donald Trump đã đồng ý miễn thuế cho các mặt hàng thuộc Hiệp định thương mại USMCA giữa ba quốc gia.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, khi nghe thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, cộng đồng DN chế biến, xuất khẩu cá tra rất lo lắng. Trước đây, cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ nhưng chưa khi nào cao như lần này. Nếu với mức thuế này thì DN sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của nhiều người.

Đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng cho biết thêm, hiện các DN đang băn khoăn, không rõ từng mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ áp như thế nào. Do đó, kiến nghị Chính phủ, ngành chức năng sớm có thông tin cụ thể, giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam bày tỏ, thông tin về việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng Việt khiến hiệp hội cũng như các DN xuất khẩu thủy sản rất bối rối. “Việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tới đây, VASEP sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành liên quan, từ đó có những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt…” - ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Lý do gì khiến phía Mỹ cân nhắc đưa vào khi tính toán con số thuế đối ứng?

Trả lời tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính Ông Trương Ba Tuấn cho biết, mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ dự kiến áp dụng từ 9/4/2025 không xuất phát từ các yếu tố thuế thuần túy nên các cơ quan chức năng đang tích cực tìm hiểu, phân tích nguyên nhân để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Trước đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025 giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối 16 nhóm mặt hàng. Đây là nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc cân bằng thương mại đối với các đối tác chiến lược toàn diện nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.

“Khi tham mưu sửa Nghị định 73/NĐ-CP, chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ thuế với hàng nhập khẩu như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… Đó là căn cứ để đề xuất mức thuế suất cân bằng giữa Việt Nam và các đối tác thương mại. Tuy nhiên, nếu chiếu vào con số mà phía Hoa Kỳ công bố sáng nay thì không thuần túy là yếu tố thuế, cần tìm hiểu kỹ và nhanh căn cứ của họ để có giải pháp phù hợp; bởi nếu thuần túy yếu tố thuế thì không đến mức như vậy” - ông Trương Bá Tuấn nói.

Liên quan đến những nhóm hàng hóa nào sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ công bố sáng nay, ông Tuấn cho rằng những ngành có tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường lớn như linh kiện điện tử, dệt may, gia dày, gỗ, thủy sản… sẽ chịu áp lực lớn.

Ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh, báo cáo gần đây nhất của Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ đề cập rằng mức thuế suất bình quân của biểu thuế Việt Nam chỉ là 9,4%. Phần lớn các mặt hàng Hoa Kỳ khi xuất khẩu sang Việt Nam ở mức thuế suất nhập khẩu 15% hoặc thấp hơn. Như vậy, mặt bằng thuế quan của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với mức 90%.

Cũng theo ông Trương Bá Tuấn, chênh lệch bình quân giữa mức thuế suất nhập khẩu MFN giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay không quá cao nên các giải pháp ứng phó phi thuế quan sẽ đóng vai trò quyết định trong vấn đề này.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để đánh giá tình hình và thảo luận về giải pháp ứng phó sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nhận định cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt, phức tạp và khó đoán định. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế để đối phó với những biến động từ bên ngoài. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ có chính sách thương mại phù hợp với quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời xem xét đến những đặc thù của Việt Nam – một nền kinh tế đang phát triển, vẫn đang khắc phục hậu quả kéo dài sau chiến tranh.

Để ứng phó với các diễn biến mới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành giữ vững bản lĩnh, chủ động, linh hoạt trong đối sách nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam và các DN xuất khẩu. Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay một loạt biện pháp tổng thể, bao gồm: thành lập tổ phản ứng nhanh về vấn đề này, do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ chủ trì việc lắng nghe ý kiến từ các DN, đặc biệt là các DN xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hai bên, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 2 tháng năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/my-ap-thue-doi-ung-46-voi-viet-nam-muc-thue-co-cong-bang-414755.html