Mỹ áp thuế đối ứng, Petrolimex mất 1.300 tỷ đồng

Lãnh đạo Petrolimex cho biết, tính từ thời điểm Tổng thống Mỹ công bố áp thuế đối ứng, giá xăng dầu thế giới giảm nhanh, chỉ riêng trong kỳ điều hành ngày 10/4, doanh thu của Petrolimex đã mất 1 nghìn tỷ đồng, cộng thêm tồn kho sang đến kỳ điều chỉnh ngày 17/4, Petrolimex lại mất thêm 300 tỷ đồng.

Ngày 25/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã chứng khoán: PLX) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, 4 tháng đầu năm 2025, Petrolimex đạt sản lượng 5,7 triệu m³/tấn, hoàn thành 33% kế hoạch và đảm bảo tiến độ đề ra. Doanh thu của Tập đoàn đạt 86,6 nghìn tỷ đồng, đạt 35% so với kế hoạch. Đồng thời, Petrolimex đã nộp ngân sách nhà nước 9.100 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch, cũng vượt tiến độ so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 113 tỷ đồng, đạt 4% so kế hoạch.

Nhìn nhận thị trường trong 4 tháng đầu năm 2025, chưa bao giờ thị trường dầu mỏ toàn cầu lại đối mặt với những bất ổn lớn như vậy. Đặc biệt, chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, với mục tiêu thúc đẩy sản xuất dầu nội địa và áp thuế đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế, đã làm suy yếu thị trường dầu. Một cú sốc lớn vào tháng 4.2025 khi OPEC+ tăng sản lượng dầu bất ngờ, kết hợp với thuế đối ứng của Mỹ, đặc biệt mức thuế 46% áp lên Việt Nam, khiến giá dầu thô giảm mạnh từ 71,71 USD/thùng xuống 55,12 USD/thùng chỉ trong vòng một tuần.

Phó tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết tính từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào ngày 2/4 vừa qua, mức giảm giá xăng dầu trên thế giới rất nhanh, từ 75 USD/thùng dầu Brent trước đó xuống chỉ còn hơn 60 USD/thùng sau vài ngày. Theo tính toán của Petrolimex, mức giảm lớn nhất có thời điểm lên tới hơn 20%.

Trong khi đó với quy định của nhà nước hiện nay, các thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho tối thiểu 20 ngày. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn phân giao tổng nguồn cho thương nhân đầu mối như Petrolimex trong khi việc điều hành giá xăng dầu lại thực hiện theo tuần.

Vì vậy, với biến động sâu và rất nhanh chỉ trong vài ngày trong khi lượng hàng tồn kho theo quy định của Petrolimex tương đương khoảng 750 nghìn m3 xăng dầu, hoạt động kinh doanh của Petrolimex bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Trần Ngọc Năm, chỉ riêng trong kỳ điều hành ngày 10/4, doanh thu của Petrolimex đã mất 1 nghìn tỷ đồng, cộng thêm tồn kho sang đến kỳ điều chỉnh ngày 17/4, Petrolimex lại mất thêm 300 tỷ đồng. Khi giá bán giảm sâu nhưng giá vốn hàng hóa đã mua cao từ trước vẫn còn tồn kho sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Petrolimex ở lĩnh vực kinh doanh cốt lõi xăng dầu trong quý 1 năm 2025.

Việc giảm sâu giá dầu như hiện nay, cộng thêm với các biến động địa chính trị phức tạp trên thế giới, Petrolimex và nhiều thương nhân xăng dầu khác đều nhận thấy 2025 là năm có nhiều rủi ro và rất khó kiểm soát với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Dù vậy, Petrolimex khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và công bố báo cáo tài chính Quý I/2025 vào cuối tháng 4 để cổ đông hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng và các giải pháp đối phó. Đồng thời, để vượt qua khó khăn, Tập đoàn cũng đã có nhiều giải pháp chiến lược quan trọng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Năm 2025, Petrolimex đặt mục tiêu sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất (m3, tấn): 17.009.900; doanh thu hợp nhất (tỷ đồng): 248.000 ; lợi nhuận hợp nhất trước thuế (tỷ đồng): 3.200; tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 10%.

Trong năm 2025, Petrolimex sẽ tiếp tục thực hiện việc tinh gọn bộ máy của Tập đoàn theo tinh thần của Nghị quyết 18, tính đến thời điểm hiện tại, Petrolimex đã tiến hành: tái cấu trúc, thoái vốn tại các đơn vị thành viên như PTC, PGCC; trong đó, PTC đã được ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/3/2025 thông qua chủ trương sáp nhập vào Công ty mẹ, dự kiến hoàn tất trong quý II–III/2025; Hoàn tất thủ tục chấm dứt hoạt động CNXD Hà Nội (CTXD KV1), CNXD Quảng Ninh (CTXD B12), VPĐD tại TP. HCM; Tiếp tục xử lý CNXD Sài Gòn (CTXD KV2); Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại PLL theo đúng lộ trình đã phê duyệt; Triển khai các nội dung còn lại của Đề án cơ cấu lại toàn Tập đoàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển mới.

Để ứng phó với sự chuyển dịch năng lượng, hiện tại, Petrolimex đang cung cấp các sản phẩm nhiên liệu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Euro 5 như xăng RON 95 và dầu Điêzen – đây là mức tiêu chuẩn cao nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay. Petrolimex cũng đã tổ chức, triển khai rất nhiều chương trình để hướng tới việc chuyển dịch năng lượng theo lộ trình đã đặt ra, có thể kể đến như: Thành lập Ban chỉ đạo và Ban triển khai chương trình hành động về Net-zero; Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại văn phòng và cửa hàng xăng dầu ở một số khu vực; Ký hợp tác với các tổ chức quốc tế như NIC, GEAPP, ADB và hoàn thiện Báo cáo Chuyển dịch Năng lượng của Petrolimex…

Bình An

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/my-ap-thue-doi-ung-petrolimex-mat-1300-ty-dong-d57969.html