Mỹ bán đứng đồng minh ở Syria?
Nhà Trắng tuyên bố sẽ không can thiệp hay tham gia cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd ở Syria, từng là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Tổng thống Erdogan ngày 5/10 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành 1 chiến dịch quân sự trên không và cả trên bộ ở Syria trong vài ngày tới ở khu vực phía đông Euphrates, nơi lực lượng dân quân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn đang giành quyền kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ luôn mong muốn loại bỏ lực lượng YPG, cáo buộc YPG liên quan trực tiếp đến những cuộc nổi dậy của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và muốn Washington ngừng hậu thuẫn cho lực lượng này. Tuy nhiên, chính quyền Washington lại coi YPG là đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và triển khai nhiều cố vấn hỗ trợ lực lượng này.
Tuyên bố của Tổng thống Erdogan được cho là thể hiện thái độ cương quyết trước việc Mỹ lần lữa không thực hiện thỏa thuận mà hai nước đạt được trước đó. Hồi tháng 8/2019, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đạt được thỏa thuận thành lập một trung tâm hoạt động chung ở miền Bắc Syria. Tuy nhiên, bất chấp sự thúc giục của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc thực thi kế hoạch, cho tới nay, Mỹ vẫn không hề có bất kỳ động thái tích cực nào. Tổng thống Erdogan đưa ra hạn chót là cuối tháng 9/2019 để thiết lập một “vùng an toàn” 30km ở biên giới Syria, cảnh báo rằng nếu không giữ được vùng an toàn này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải hành động quân sự. Ankara cho biết muốn thiết lập một khu tỵ nạn với 2 triệu người Syria trong khu vực này.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Erdogan, các nguồn tin đối lập Syria cho hay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đã triển khai các đơn vị dọc biên giới. Tờ tin tức Nedaa Syria đưa tin, chiến dịch được cho là "Mùa xuân của hòa bình" có thể bắt đầu bất cứ lúc nào và mục tiêu đầu tiên sẽ là thị trấn biên giới Tell Abyad. Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên ngày 5/10 nói với Wall Street Journal rằng, Washington nhận thấy ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm tiến vào Syria. "Đó sẽ là một cơn bão thực sự. Lực lượng Mỹ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút đi", quan chức này cho biết.
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 6/10, Nhà Trắng cho biết lực lượng vũ trang Mỹ sẽ không tham gia hoặc ủng hộ kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria và lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi khu vực. Trong thông cáo, Nhà Trắng nhấn mạnh lực lượng Mỹ “đã đánh bại tổ chức IS nên sẽ không còn hiện diện ở khu vực (miền Bắc Syria)”. Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ sẽ chịu trách nhiệm chống lại tất cả tay súng IS còn lại ở khu vực, theo thông cáo. Tổng thống Trump hồi năm 2018 đã kêu gọi rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria tuy nhiên kế hoạch của ông đã bị các nghị sỹ đảng Cộng hòa và các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ phản đối.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 3/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ hy vọng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện lời cam kết rút quân ra khỏi Syria của ông trước đây. Theo Ngoại trưởng Nga, các quốc gia đóng quân tại Syria mà không được chính quyền hợp pháp tại Syria, hay các Nghị quyết của LHQ cho phép đều là bất hợp pháp. Ngoại trưởng Nga khẳng định, khác với Mỹ và một số quốc gia khác, sự hiện diện của Nga và Iran tại Syria được thực hiện theo yêu cầu của chính phủ quốc gia này. Ông Lavrov cho rằng, hiện Mỹ không còn lý do để ở lại Syria khi các phần tử khủng bố thuộc IS đã bị đánh bại.
Ngày 6/10, người Kurd ở khu vực biên giới Syria đã tập trung kéo tới một căn cứ quân sự do lực lượng Mỹ chiếm đóng nhằm gửi đơn kiến nghị yêu cầu bảo vệ trước cuộc xâm lược sắp diễn ra của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, YPG cho biết, họ cam kết thực thi thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bảo đảm sự ổn định trong khu vực. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không do dự biến bất cứ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ thành một cuộc chiến toàn diện ở vùng biên giới để bảo vệ chính mình và người dân của chúng tôi”, người phát ngôn của YPG nêu rõ trên trang Twitter. Đã có nhiều người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chỉ trích quyết định của Nhà Trắng, nói rằng Mỹ đang bỏ rơi người Kurd. Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ quyết định không can thiệp vào hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến lực lượng người Kurd ở đông bắc Syria gặp nguy hiểm. Dường như người Kurd tại khu vực này cũng dần cảm nhận được sự nguy hiểm mà họ sắp phải đối mặt. Có hai giả thiết được đặt ra nhằm giải thích cho quyết định trên của Washington. Thứ nhất, Mỹ đã không thuyết phục được người Kurd rời bỏ vùng lãnh thổ ở đông bắc Syria. Thứ hai, Mỹ quyết định bỏ rơi người Kurd để tránh căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Thổ.
Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng hiện có, một chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực đông bắc Syria vẫn là một diễn biến khó có thể xảy ra do sự hiện diện của hàng trăm binh sĩ Mỹ trong khu vực. Ông Erdogan từng đe dọa rằng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xâm chiếm khu vực này trong hơn một năm qua nhưng chưa có hành động nào được triển khai.
Giới quan sát nhận định, căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria vẫn có thể tránh được, với việc Mỹ buộc YPG di chuyển khỏi khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, kế hoạch tái thiết của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực sẽ giúp ổn định dần dần miền Bắc Syria, ngăn chặn căng thẳng dài hạn giữa YPG và các nhóm sắc tộc, bộ lạc địa phương khác ở miền Đông Syria. Dư luận khu vực và quốc tế lo ngại biên giới Syria lại một lần nữa “dậy sóng”, khi những hy vọng về hòa bình cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này mới chỉ vừa nhen nhóm.
Theo tin tức mới nhất, lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ cuối ngày 7/10 tiến hành không kích nhằm vào các vị trí của YPG ở tỉnh Hasakah, đông bắc Syria, theo hãng thông tấn SANA (Syria). SANA ban đầu đưa tin không có thương vong trong cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/my-ban-dung-dong-minh-o-syria-551722.html