Mỹ 'bật đèn xanh' cho Ukraine nhận tên lửa tầm xa từ Đức

Washington cho phép Ukraine nhận 100 tên lửa Patriot và 125 tên lửa tầm xa từ Đức, trong khi Nga đề xuất đàm phán hòa bình tại Istanbul vào ngày 15/5.

Đức và Ukraine trước hệ thống tên lửa phòng không Patriot vào ngày 11/6/2024. Ảnh: Getty.

Đức và Ukraine trước hệ thống tên lửa phòng không Patriot vào ngày 11/6/2024. Ảnh: Getty.

Chính quyền Mỹ đã chấp thuận việc chuyển giao 100 tên lửa phòng không Patriot và 125 tên lửa pháo binh tầm xa từ kho vũ khí của Đức sang Ukraine, theo tờ New York Times ngày 10/5 dẫn lời một quan chức Quốc hội cho hay. Theo quy định xuất khẩu của Washington, các hệ thống do Mỹ sản xuất không được tái xuất khẩu nếu chưa có sự cho phép chính thức từ chính phủ Mỹ.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Nga vừa tuyên bố đơn phương thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ, từ ngày 8 đến hết ngày 10/5 để kỷ niệm Ngày Chiến thắng, đồng thời Tổng thống Vladimir Putin đề xuất tổ chức đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã kêu gọi phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa và hệ thống Patriot. Ông gần đây cho biết Kiev sẵn sàng chi từ 30 đến 50 tỷ USD để mua vũ khí từ Mỹ hoặc mua bản quyền sản xuất, đồng thời đã chỉ đạo chính phủ xúc tiến đàm phán thỏa thuận Patriot. Mỗi hệ thống Patriot có giá hơn 1 tỷ USD và cần khoảng 90 binh sĩ để vận hành.

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa phê duyệt thêm gói viện trợ quân sự nào cho Ukraine. Các lô hàng được phê duyệt dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden gần như đã cạn kiệt. Theo New York Times, chính quyền Trump tỏ ra ít quan tâm đến việc tiếp tục viện trợ mà thay vào đó kêu gọi các đồng minh châu Âu trong NATO chia sẻ thêm gánh nặng hỗ trợ Ukraine.

Trong khi đó, ngày 9/5, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn một thỏa thuận quan trọng với Mỹ, cho phép Washington được tiếp cận ưu tiên các nguồn tài nguyên chiến lược tại Ukraine, bao gồm đất hiếm. Thỏa thuận này, vốn được ký kết từ tháng 4, cũng bao gồm kế hoạch thành lập quỹ đầu tư chung để hỗ trợ phục hồi kinh tế Ukraine. Dù không có cam kết an ninh chính thức, Kiev xem đây là bước tiến quan trọng hướng tới hợp tác sâu hơn và có thể dẫn đến hỗ trợ quân sự trong tương lai.

“Thỏa thuận này mang lại cho chúng tôi hy vọng”, ông Egor Chernev, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Ukraine, nói với New York Times. Ông cho biết lực lượng Ukraine đang dần cạn kiệt tên lửa tầm xa, pháo binh và các hệ thống phòng không đạn đạo – phần lớn đều do Mỹ sản xuất.

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin chưa thể gửi thêm hệ thống Patriot do thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, ông xác nhận kế hoạch chuyển giao 4 hệ thống IRIS-T SLM do Đức sản xuất cùng 30 tên lửa đi kèm. Ngoài ra, Đức cũng đã cung cấp 60 xe chống mìn, 50.000 quả đạn pháo và 1 tên lửa đánh chặn IRIS-T.

Chính phủ Thủ tướng Friedrich Merz cũng tuyên bố sẽ ngừng công bố chi tiết về các lô hàng vũ khí, nhằm thiết lập “sự mơ hồ chiến lược” trong hỗ trợ quân sự.

Về phía Nga, Moscow khẳng định vẫn sẵn sàng đối thoại, nhưng nhấn mạnh rằng chấm dứt dòng chảy vũ khí từ phương Tây là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn lâu dài nào. Trong khi đó, Ukraine liên tục đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, xem đây là điều kiện thiết yếu để bắt đầu tiến trình đàm phán ngoại giao.

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ đề xuất này, cho rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ tạo điều kiện cho Ukraine củng cố lực lượng và tái vũ trang.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-bat-den-xanh-cho-ukraine-nhan-ten-lua-tam-xa-tu-duc-post185452.html