Mỹ bỏ xa Trung Quốc về số lượng kỳ lân khởi nghiệp

Dù vẫn giữ vị trí thứ hai thế giới về số lượng kỳ lân khởi nghiệp (các công ty khởi nghiệp có mức định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên), Trung Quốc đã bị nước dẫn đầu Mỹ bỏ xa. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ có thêm 15 kỳ lân nhưng Mỹ chứng kiến sự xuất hiện của 179 kỳ lân mới.

Mỹ và Trung Quốc chiếm phần lớn số kỳ lân khởi nghiệp trên toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asia

Mỹ và Trung Quốc chiếm phần lớn số kỳ lân khởi nghiệp trên toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asia

Sau khi dẫn đầu thế giới và nhỉnh hơn Mỹ một chút vào năm 2019, Trung Quốc đã tụt lại phía sau Mỹ ở một trong những chỉ số quan trọng trong cuộc đua giành ưu thế kinh tế và công nghệ: số lượng các kỳ lân khởi nghiệp.

Sự chênh lệch ngày càng lớn về số kỳ lân khởi nghiệp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh, những người đang đặt hy vọng vào sự đổi mới trong nước để phát triển một nền kinh tế kỹ thuật số trưởng thành hơn. Và điều này xảy ra vào thời điểm Mỹ tạo dấu ấn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) với việc công ty khởi nghiệp (startup) OpenAI ra mắt công cụ chatbot gây sốt ChatGPT, đồng thời Washington siết chặt các hạn chế xuất khẩu chip cao cấp nhằm kìm hãm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng số lượng kỳ lân khởi nghiệp thường được coi là thước đo quan trọng về môi trường kinh doanh và sức mạnh kinh tế của một quốc gia.

Trước đại dịch Covid-19, có 494 kỳ lân trên thế giới, với tổng định giá 1,7 nghìn tỉ đô la. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với 206 kỳ lân, tiếp theo là Mỹ với 203 kỳ lân. Hiện tại, thế giới có 1.361 kỳ lân, có tổng định giá 4,3 nghìn tỉ đô la, theo Chỉ số kỳ lân toàn cầu năm 2023 do Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận (Trung Quốc) công bố hồi đầu tuần này.

Mỹ dẫn đầu danh sách với 666 kỳ lân khởi nghiệp, bao gồm cả Công ty công nghệ không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk và Công ty công nghệ tài chính (fintech) Stripe. Con số này tăng thêm 179 so với năm ngoái và tăng thêm 463 trong ba năm qua.

Trung Quốc đứng thứ 2 với 316 kỳ lân khởi nghiệp, chỉ tăng 15 trong năm qua và tăng 110 kể từ năm 2020.

Trung Quốc có kỳ lân giá trị nhất thế giới, ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok. Công ty này được định giá 1.380 tỉ nhân dân tệ (khoảng 200 tỉ đô la Mỹ). Những kỳ lân đình đám khác của Trung Quốc bao gồm Công ty fintech Ant Group, và ngân hàng số WeBank. SpaceX của Mỹ là kỳ lân giá trị thứ hai thế giới, có mức định giá 137 tỉ đô la Mỹ.

Bảng xếp hạng kỳ lân dễ bị ảnh hưởng do mức định giá thị trường của các startup biến động. Tuy nhiên, Công ty fintech Tipalti của Israel cũng xác nhận xu hướng tương tự. Bảng xếp hạng hàng năm của công ty này xác định Trung Quốc có 248 kỳ lân Trung Quốc, tương đương 17,3% tổng số kỳ lân của thế giới, ít hơn nhiều so với 712 kỳ lân ở Mỹ, chiếm 49,8% tổng số kỳ lân.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận, kỳ lân ở Mỹ chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực chính điện toán đám mây, fintech và công nghệ y tế. Trong khi đó, kỳ lân của Trung Quốc tập trung ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và thương mại điện tử.

Trung Quốc đang bước vào thời điểm quan trọng trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế khi mô hình tăng trưởng của nước này từ lâu dựa vào đầu tư và xuất khẩu, đứng trước những thách thức chưa từng có. Khối nợ gia tăng của các chính quyền địa phương, dân số ngày càng giảm cùng với xu hướng tách rời kinh tế khỏi Mỹ là những tín hiệu đáng lo ngại đối triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang nỗ lức tái cấu trúc nền kinh tế và thúc đẩy sự đổi mới trong nước. Tuần trước, Thủ tướng Lý Cường đã đến thăm các công ty kỳ lân, gồm một nhà sản xuất vệ tinh, một công ty lưu trữ năng lượng và một công ty công nghệ lái xe thông minh.

“Các công ty kỳ lân có tiềm năng tăng trưởng cao, ở một mức độ nhất định, đại diện cho xu hướng chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế. Các doanh nghiệp công nghệ phải đặt ra cho mình sứ mệnh đổi mới sáng tạo, dành nhiều năng lượng hơn cho những bước đột phá trong các công nghệ cốt lõi quan trọng… và đóng góp vào sự tự lực về công nghệ tiến tiến của đất nước chúng ta”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý Cường cho biết.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận Rupert Hoogewerf nói: “ChatGPT của OpenAI có lẽ đã tạo tác động lớn nhất trên toàn thế giới so với bất kỳ kỳ lân nào. OpenAI đã chứng kiến mức định giá tăng lên 20 tỉ đô la và ChatGPT đạt mốc 100 triệu người dùng chỉ sau hơn hai tháng”. Trong những tháng qua, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Baidu, Alibaba đã cố gắng bám đuổi OpenAI bằng cách ra mắt các phiên bản chatbot của riêng họ.

Theo SCMP

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/my-bo-xa-trung-quoc-ve-so-luong-ky-lan-khoi-nghiep/