Mỹ buộc các mặt hàng xuất khẩu của Hồng Kông phải gắn nhãn 'Made in China'

Hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông để xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ phải dán nhãn 'Sản xuất tại Trung Quốc' sau 25-9, theo dự thảo của chính phủ Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông sẽ phải chịu mức thuế từ chiến tranh thương mại mà trước đây chỉ đánh vào các công ty Trung Quốc đại lục.

Động thái này, phù hợp với tình trạng treo của Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 và viện dẫn lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về “Bình thường hóa Hồng Kông”, sẽ khiến các công ty Hồng Kông phải chịu cùng mức thuế chiến tranh thương mại mà trước đây chỉ áp dụng đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc đại lục.

Một thông báo được công bố trên Cơ quan Đăng ký Liên bang Hoa Kỳ vào 11-8, quy định rằng “45 ngày sau ngày công bố”, hàng hóa “phải được đánh dấu để chỉ rõ rằng xuất xứ của chúng là Trung Quốc”. Động thái này là “do xác định rằng Hồng Kông không còn đủ tự chủ để biện minh cho sự đối xử khác biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc”.

Việc xác nhận một động thái được ám chỉ bởi luật trước đây của Tổng thống Trump là một đòn khác giáng vào nền kinh tế đang gặp khó khăn của Hồng Kông và đối với cơ sở xuất khẩu có giá trị cao trong thành phố. Hàng hóa không tuân thủ sẽ phải đối mặt với mức thuế trừng phạt 10% tại các cảng của Hoa Kỳ.

Hồng Kông có thâm hụt thương mại với Mỹ cao hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào khác, mặc dù con số này đã giảm 16% vào năm ngoái, xuống còn 26 tỷ USD. Từ tháng Giêng đến tháng 5 năm nay, xuất khẩu của Hồng Kông sang Hoa Kỳ đã giảm 22,3% về khối lượng so với một năm trước đó.

Hồng Kông có ý nghĩa quan trọng với tư cách là một trung tâm tái xuất hơn là một trung tâm thương mại trực tiếp theo đúng nghĩa của nó. Nền kinh tế của nó khác nhiều so với thập niên 70 và 80, khi đó Hồng Kông là một thành trì sản xuất. Giờ đây, chỉ 1% hàng hóa vận chuyển từ Hồng Kông được sản xuất tại thành phố, thay vào đó, nơi đóng vai trò như một cửa ngõ hậu cần đến Trung Quốc đại lục cho cả hàng hóa được sản xuất tại đó và đi đến đó.

Xuất khẩu nội địa sang Hoa Kỳ trong năm 2019 là 471 triệu USD, tương đương 0,1% tổng lượng hàng xuất đi bao gồm cả hàng tái xuất khẩu, dữ liệu từ Hội đồng Thương mại và Phát triển của thành phố cho thấy.

Trong đó, 48,5% hàng sản xuất trong nước của Hồng Kông xuất khẩu sang Mỹ về giá trị trong nửa đầu năm là đồ trang sức. Ngành có giá trị thứ hai là thực phẩm, chiếm 10,7% tổng lượng hàng xuất đi trong nước.

Theo chế độ thuế quan hiện tại, đồ trang sức phải chịu mức thuế 7,5% khi xuất khẩu sang Mỹ từ Trung Quốc - mức thuế đã giảm một nửa so với mức 15% khi ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng Giêng.

John Marrett, nhà phân tích hàng đầu của Hong Kong tại Economist Intelligence Unit, nói rằng: “trong một kế hoạch tổng thể, điều này rõ ràng là không tốt, nhưng nó không có nghĩa là nhiều vì nhìn chung giá trị là không đáng kể”.

Nền kinh tế của thành phố giảm 9% trong quý II của năm 2020 so với một năm trước đó, mức giảm kỷ lục của quý I là 9,1%. Giờ đây, dưới các biện pháp ngăn chặn cách ly xã hội và ngăn chặn covid-19 nghiêm ngặt, áp lực kinh tế tiếp tục chồng chất lên thành phố.

Các chuyên gia luật thương mại Sandler, Travis & Rosenberg cho hay vào 11-08: “Sự thay đổi này cũng làm dấy lên lo ngại rằng hàng hóa được sản xuất hoặc chuyển đổi cơ bản ở Hồng Kông sẽ được coi là có xuất xứ từ Trung Quốc vì mục đích của thuế quan Mục 301 mà Mỹ hiện đang áp dụng đối với các sản phẩm của Trung Quốc”.

Hiện tại, các mức thuế của Mỹ áp dụng riêng cho hàng hóa Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD. Việc bổ sung hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông sẽ mở rộng điều này, mặc dù không đáng kể.

Các nhà phân tích cho rằng điều quan trọng hơn cả trong số các hành động thương mại của Mỹ đối với Hồng Kông trong những tuần gần đây là việc áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu, có nghĩa là các nhà nhập khẩu tại thành phố này không thể tiếp cận một số công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Các nhà phân tích và nhân vật trong ngành đã cảnh báo điều này có thể cản trở việc nghiên cứu của trường đại học và thậm chí là việc tiếp cận với công nghệ tiêu dùng.

Arthur Lee Kam-hung là Giám đốc điều hành của Hong Kong X’tals, nhà sản xuất các thành phần công nghệ cao được sử dụng trong các trạm 5G và xe tự lái. Công ty của ông bán một số sản phẩm ra khỏi Hồng Kông, nhưng ông cho biết các quy định mới sẽ không ảnh hưởng nhiều, vì công ty đã tách mình ra khỏi một thị trường Mỹ “lỗi thời” và “dễ bốc hơi”.

Ông cho biết: “Đối với các thành phần [tinh thể thạch anh] truyền thống của chúng tôi được sản xuất tại đại lục, mức thuế 25% của Hoa Kỳ [đã] áp dụng cho các sản phẩm của chúng tôi [và] do khách hàng của chúng tôi ở Hoa Kỳ chịu. Nhưng thị trường Mỹ rất nhỏ đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi vì chúng tôi đang tập trung vào các khách hàng Trung Quốc và châu Âu”.

Ông Lee nói thêm rằng cuộc chiến thương mại khiến ông đa dạng hóa một số nguồn cung cấp nguyên liệu khỏi Mỹ, nhưng các chính sách và lệnh trừng phạt của Trump khiến ông “rất lo lắng” về việc đối phó với Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi sẽ ngừng đầu tư hoặc tìm nguồn cung ứng trên thị trường Hoa Kỳ”

Công ty đã lên kế hoạch đưa một số cơ sở sản xuất dự phòng vào các hoạt động ở Hồng Kông để chống lại nguy cơ gián đoạn covid-19 đối với thành phố.

“Các kế hoạch này khó có thể thay đổi cho dù Mỹ có áp dụng mức thuế quan mới và thay đổi nhãn “Made in Hong Kong”thành “Made in China”hay không”, ông Lee nói thêm.

Tuần trước, Mỹ đã chuyển sang trừng phạt các quan chức hàng đầu của Hồng Kông, bao gồm cả Giám đốc điều hành Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, vì việc áp dụng luật an ninh quốc gia, vốn bị coi là vi phạm mô hình "một quốc gia, hai hệ thống".

Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông trong tuần này cũng đã bắt giữ các nhân vật ủng hộ dân chủ trong thành phố theo luật mới sâu rộng, bao gồm cả ông trùm truyền thông nổi tiếng Jimmy Lai Chee-ying, người đã bị bắt giữ hôm 10-08.

Nhã Trúc (theo SCMP)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/my-buoc-cac-mat-hang-xuat-khau-cua-hong-kong-phai-gan-nhan-made-in-china-82995.html