Mỹ cảm mới cho đô thị Đà Lạt
Thử vào trang tìm kiếm Google và gõ hai chữ 'Đà Lạt', chỉ chưa đầy một giây, có 38 triệu kết quả xuất hiện. Không ai có thể liệt kê hết những khen ngợi, chia sẻ, những kiến giải trách nhiệm, những góp ý chân tình và cả sự chê trách Đà Lạt với tư cách là một đô thị. Nói như vậy, để thấy rằng, nơi chốn này được cộng đồng hết sức quan tâm. Chính điều đó, bắt buộc Đà Lạt phải tự vấn, tự đối thoại, phản biện chính mình để khai phóng nguồn mỹ cảm mới trên tiến trình phát triển.
Sau cuộc thám hiểm lần thứ hai của nhà bác học Alexandre Yersin vào tháng 6/1893, để kiến thiết Đà Lạt, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Paul Dumer đã huy động nhiều nhà kiến trúc tài danh và chính ông ta đã giám sát hoạt động xây dựng. Viên toàn quyền tham vọng biến Đà Lạt thành một đô thị mang dáng dấp vùng cao châu Âu. Vào năm 1921, kiến trúc sư người Pháp Ernést Hébrard được giao nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt.
Với ý đồ xây dựng thành phố thành thủ phủ Đông Dương, tư tưởng chủ đạo của kiến trúc sư này là tập trung các công trình xây dựng quanh các hồ nước. Theo đó, Đà Lạt được bố trí các phân khu chức năng như khu hành chính, quân sự, bệnh viện, trường học, thao trường, đồn điền, khu nhà ở người Âu, người Việt, khu an dưỡng, khu chợ... Sau E.Hébrard còn có thêm đồ án của các kiến trúc sư L.Pino, H.Mondet rồi J.Lagisquet. Đó là những thời kỳ in dấu rõ nhất cho sự hình thành Đà Lạt, một đô thị mang hình bóng Pháp quốc trên cao nguyên trung phần Việt Nam...
Khi nghĩ về Đà Lạt, thường thì dòng hoài niệm ngập tràn. Bởi nói đến thành phố cao nguyên này là nói đến một tiểu vùng khí hậu khác lạ. Ở nơi đó hàm chứa những nét thanh lịch, sang trọng về những giá trị thiên tạo và nhân tạo. Ở nơi đó có những điều kiện và dữ kiện cho việc thiết kế một đô thị hài hòa với tự nhiên. Đà Lạt đã in dấu điều đó trong cảm xúc nhiều người, nhưng thực tế thì đó là những gì đã và đang dần qua vì nhiều lẽ. Đà Lạt hiện tại còn giữ được bao nhiêu phần giá trị của một “tiểu Paris” mà các kiến trúc sư đã thể hiện trong các đồ án của thời thuộc địa? Một thực tế khác, ngay đồ án quy hoạch của J.Lagisquet, đồ án cuối cùng vào năm 1943, cũng chỉ là một quy hoạch của thời quá khứ khi ông ta chỉ dự phóng mức tăng trưởng dân số của đô thị khoảng 80 nghìn người.
Năm 1975, dân số Đà Lạt đã phát triển đúng như tầm nhìn của bản quy hoạch. Từ năm 1975 đến nay, số dân đã tăng gần gấp ba mức định lượng theo bản quy hoạch của vị kiến trúc sư này với 232 nghìn người. Trong khi đó, những khiếm khuyết trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương ở nhiều thập kỷ trước đã dẫn đến những hệ lụy là ngày nay chúng ta có một hình ảnh Đà Lạt không đúng với kỳ vọng.
Với tình yêu xứ sở, đành chịu mang tiếng là người bảo thủ khi ngồi nhẩn nha nhớ về “Đà Lạt ngày xưa” và cố biện minh cho những hoài niệm tiếc nuối. Khi mọi người cứ tự hào theo kiểu “văn hóa làng” thì chúng ta cũng hè nhau “ăn mòn” sự khác biệt cho đến một ngày nó trở nên trống rỗng. Đó là những cụm từ quen miệng kiểu: chiếc máy lạnh khổng lồ; phố trong rừng, rừng trong phố; những hồ, thác rồi thông và sương. Tự hào về nó, sống nhờ nó nhưng lại không ngừng đe dọa sự tồn tại của nó...
Đà Lạt từng sang trọng như một giấc mơ châu Âu giữa lòng Việt Nam. Cư dân cũ của xứ sở này kể những chuyện ngày xưa như những dòng lưu bút về tháng ngày tươi đẹp. Nhưng giá trị của những dòng lưu bút chỉ đánh thức tâm cảm chứ không đồng hành với thời hiện tại. Trong xu thế đương đại và dự báo tương lai với những hoàn cảnh mới mẻ của nó, cần lựa chọn một tâm thế mới.
Khi nhiều đô thị khác đang ở tầm đại lộ, thì Đà Lạt cũng không thể đứng yên gặm nhấm tình yêu dịu dàng với những con đường bé nhỏ ẩn mình lặng lẽ bên rừng thông với những khóm tường vi. Liệu chúng ta có quên rằng, dân số của đô thị đang bùng nổ và du khách cũng cần cho họ một không gian thoáng hơn.
Những con đường của “tầm nhìn cũ’ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, Mỹ thuộc cho những chiếc xe hơi, những chuyến xe ngựa lóc cóc sau vài lần chỉnh trang đã trở nên chật chội. Nhiều năm qua, nạn kẹt xe ám ảnh Đà Lạt. Những con đường dốc nhỏ đã quá sức chứa. Hệ thống taxi, xe buýt phát triển làm cho nạn kẹt xe cục bộ dần dần phổ biến. Nhiều người dân sắm ô-tô riêng và lượng mô-tô bùng nổ cùng với nạn buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì ùn tắc lại càng tăng hơn.
Người dân Đà Lạt từ lâu đã nhức óc với những xe khách với sức chứa hàng chục người và xe tải hàng chục tấn chen lấn qua những đường phố hẹp với tiếng còi inh ỏi. Các bãi giữ xe công cộng chiếm một phần lớn diện tích của khu trung tâm. Những đường phố nhỏ trong khu vực này được quy định là phố đi bộ trong những đêm cuối tuần, nhưng thực tế là khu phố “cấm xe” thì đúng hơn với hàng loạt barrier và những người thi hành công vụ lăm lăm dùi cui. Ngày lễ, lúc biểu diễn nghệ thuật hay sự kiện công cộng đều tổ chức ở khu trung tâm. Các hoạt động này góp phần gây ách tắc giao thông khi phải chặn xe mới tổ chức được.
Ở Đà Lạt, không ít dinh thự, biệt thự cổ dần dần hoang phế; trong khi đó thì nhiều kiến trúc mới mọc lên vô lối, phá vỡ quy hoạch, bất chấp quy tắc kiến tạo nương theo tự nhiên. Đồi núi bị xẻ thịt. Rừng thông hao hụt dần. Môi trường nhân văn ít nhiều bị bào mòn. Người Đà Lạt ứng xử với nhau và ứng xử với khách đã có nhiều thay đổi, tâm lý thực dụng chen khá sâu vào đời sống cư dân của một đô thị có tiếng hiền hòa. Cò chi phối thị trường du lịch, xuất hiện nạn bán hàng đặc sản không rõ nguồn gốc và nhiều vụ “chặt chém” du khách đã xảy ra. Những tệ nạn xã hội cũng đang nóng lên và bạo lực gia tăng...
Cần khai phóng một tầm nhìn tương lai cho Đà Lạt. Những người yêu thành phố cũng phải xác định cho mình một mỹ cảm mới, phóng khoáng và rộng mở. Khi nghĩ về Đà Lạt, không ai muốn chứng kiến những điều khó coi, những hình ảnh nhạt nhẽo trong một không gian chật hẹp, không ai muốn sự bất an bởi những vấn nạn. Muốn vượt thoát, Đà Lạt cần phải nhìn lại mình, nâng tầm mình lên. Nhưng mọi hình ảnh về một Đà Lạt tương lai đều trở nên khó thực thi nếu cứ khư khư bám víu vào những hoài niệm đã và đang dần mất. Cần phải đặt những ý tưởng kiến tạo trên nền tảng khoa học, trước một thực tiễn đang biến động từng ngày.
Gần đây, Đà Lạt đang vận hành tư duy mới từ sự chỉnh trang hệ thống giao thông. Thành phố tập trung mọi nguồn lực để phát triển các tuyến đường nội thị, khai mở phần nào những nút thắt ách tắc trong nhiều thập niên. Những ách tắc ấy xuất phát từ năng lực dự báo và cả bởi ý niệm lãng mạn về những cung đường nhỏ uốn lượn “quanh co quyện gốc thông già”. Hay như chuyện Đà Lạt lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu để điều tiết giao thông tại các giao lộ cũng là việc đáng ra phải làm từ lâu, nhưng nhiều năm vướng mắc chưa triển khai được bởi vài vị lãnh đạo muốn giữ niềm tự hào về “thành phố ba không”, trong đó có “không đèn xanh đèn đỏ”...
Các chuyên gia cho rằng, một quy hoạch hiện đại đối với đô thị Đà Lạt phải giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó các nhóm vấn đề đáng quan tâm nhất là kết cấu hạ tầng, lưu thông, hài hòa với đặc thù địa hình tự nhiên và mở ra hướng đầu tư phát triển kinh tế, xã hội xứng tầm. Quy hoạch đó, bên cạnh giữ gìn giá trị di sản, bảo lưu những dòng hoài niệm đẹp đẽ cũng cần dự báo một cách chính xác và khoa học, mở tầm khai phóng cho sự phát triển đô thị mai sau. Chỉ như thế mới là cách làm đúng để trả lại cho Đà Lạt những gì sang trọng, thanh lịch từng có và kiến tạo giá trị gia tăng cho tương lai thành phố.
Điều cần suy nghĩ là làm sao mà các nhà hoạch định chiến lược, quản lý, chuyên môn thật sự vào cuộc để tạo nên một hình ảnh Đà Lạt mới mẻ nhưng vẫn giữ được hồn cốt vốn có. Và có chế tài hợp lý để các nhà đầu tư không đến đây chỉ với mục đích tạo thị trường đầu cơ địa ốc nhằm thỏa mãn vụ lợi cục bộ. Bên cạnh lựa chọn những doanh nghiệp dồi dào thực lực, thì một điều không thể thiếu là họ khao khát tạo dựng Đà Lạt với một tình yêu và trách nhiệm thật sự. Chính quyền phải là người hoàn toàn chủ động xử lý những dòng chảy trái chiều, đặc biệt là trước những nhóm lợi ích vì mục đích riêng mà làm hỏng những giá trị mà bao thế hệ đã dốc trí lực kiến thiết và đổ máu xương giành giữ suốt hàng thế kỷ qua...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/goc-lu-hanh/my-cam-moi-cho-do-thi-da-lat-698980/