Mỹ cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng trong đại dịch

Các quan chức y tế Mỹ cho biết tình trạng nhiễm trùng do 'siêu vi khuẩn' kháng thuốc kháng sinh đã trở nên nghiêm trọng hơn trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.

"Vi khuẩn ác mộng" CRE. Ảnh: CDC

"Vi khuẩn ác mộng" CRE. Ảnh: CDC

Theo hãng tin Reuters ngày 12/7, sau nhiều năm giảm, năm 2020 chứng kiến tỷ lệ tăng 15% số ca nhập viện và tử vong do nhiễm siêu khuẩn.

Tiến sĩ Arjun Srinivasan, chuyên gia thuộc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, gọi đây là “một tình trạng đảo ngược đáng kinh ngạc”.

Quan chức CDC chỉ ra có một vài nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng các ca nhiễm khuẩn, trong đó có cách thức điều trị COVID-19 khi dịch mới bùng phát vào đầu năm 2020.

Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh xảy ra khi vi trùng như vi khuẩn và nấm có khả năng chống lại các loại thuốc được chế tạo với mục đích ban đầu để tiêu diệt chúng. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh cũng như không hoàn thành liều dùng đã khiến vi khuẩn trở nên mạnh mẽ hơn.

Trước đại dịch, các quan chức y tế cho biết tình trạng nhiễm siêu vi khuẩn ở Mỹ có xu hướng giảm. Tỷ lệ tử vong giảm 18% từ năm 2012 đến năm 2017, khi khoảng 36.000 người Mỹ tử vong vì nhiễm khuẩn kháng kháng sinh. Chính phủ khuyến cao các bệnh viện cần sử dụng kháng sinh một cách thận trọng hơn và cách ly những bệnh nhân có thể lây lan nhiễm trùng.

Mặc dù CDC không tổng hợp đủ dữ liệu đối với tất cả siêu vi khuẩn trong năm 2020 do phải tập trung một phần vào đại dịch COVID-19, song từ dữ liệu của 7 loại nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, bao gồm MRSA và CRE với biệt danh “vi khuẩn ác mộng”, cơ quan y tế này chỉ ra tỷ lệ bệnh và tử vong đã tăng 15%.

Giới chức y tế chỉ ra lý do duy nhất: Từ tháng 3 đến tháng 10/2020, gần 80% bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 đều dùng thuốc kháng sinh. Việc sử dụng thuốc kháng sinh tăng lên khi các bác sĩ không chỉ điều trị mỗi COVID-19 mà còn giúp bệnh nhân dễ bị tổn thương khỏi các biến chứng nhiễm khuẩn.

Sang năm 2021, việc sử dụng kháng sinh nói chung đã giảm xuống. Tiến sĩ Srinivasan lưu ý việc giảm sử dụng ống thở, máy thở và các thiết bị y tế khác cũng góp phần làm tỷ lệ nhiễm khuẩn kháng kháng sinh giảm do những thiết bị này, được sử dụng cho những bệnh nhân bị bệnh nặng, có thể là đường dẫn đưa vi khuẩn kháng thuốc xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-canh-bao-tinh-trang-khang-thuoc-khang-sinh-gia-tang-trong-dai-dich-20220713164101814.htm