Mỹ cáo buộc Nga là trở ngại cho hòa bình ở Ukraine, Moscow cảnh báo cứng
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Ba (19/10) cho rằng Nga là trở ngại cho hòa bình ở miền đông Ukraine và không có quyền phủ quyết nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine.
Trong chuyến thăm tới Kyiv, vào thời điểm quan hệ của Nga với phương Tây đang ở mức thấp sau Chiến tranh Lạnh, ông Austin cho biết Ukraine phải có khả năng tự quyết định chính sách đối ngoại của mình và cảnh báo Moscow dừng các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và các đồng minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Andriy Taran đến thăm một đền đài tưởng niệm ở Kyiv, Ukraina ngày 19 tháng 10 năm 2021 - Ảnh: REUTERS
Quân đội Ukraine đã chiến đấu với các lực lượng do Nga hậu thuẫn ở khu vực phía đông Donbass trong một cuộc xung đột bắt đầu từ năm 2014, ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý.
"Hãy rõ ràng rằng Nga đã bắt đầu cuộc chiến này và Nga là trở ngại cho một giải pháp hòa bình", Bộ trưởng Austin nói trong một cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrii Taran.
"Vì vậy, chúng tôi một lần nữa kêu gọi Nga chấm dứt việc kiểm soát Crimea, ngừng kéo dài cuộc chiến ở miền đông Ukraine, chấm dứt các hoạt động gây mất ổn định ở Biển Đen và dọc theo biên giới Ukraine, đồng thời ngừng các cuộc tấn công mạng dai dẳng và các hoạt động ác ý khác chống lại Mỹ và các đồng minh và đối tác của chúng tôi".
Moscow đã phủ nhận việc có quân ở miền đông Ukraine hoặc gửi binh lính và khí tài quân sự để hỗ trợ hai chính phủ ly khai ủy nhiệm ở Donbass. Họ đổ lỗi cho Kyiv về sự thiếu tiến bộ đối với hòa bình và phủ nhận việc thực hiện các cuộc tấn công mạng.
Mỹ là bên ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và bùng nổ xung đột ở miền đông Ukraine, mà Kyiv nói rằng đã khiến 14.000 người chết trong 7 năm qua.
Tuy nhiên, Ukraine đã thất vọng vì tiến độ gia nhập NATO chậm chạp, đặc biệt là sau cuộc xung đột biên giới với quân đội Nga trong năm nay. Washington đã thúc giục Kyiv thực hiện các cải cách trong lĩnh vực quốc phòng để đủ điều kiện.
Hôm thứ Hai (18/10), Nga cho biết họ đang tạm dừng các hoạt động của phái đoàn ngoại giao của mình tại NATO sau khi liên minh quân sự phương Tây trục xuất 8 người Nga bị cáo buộc làm gián điệp.
Điện Kremlin hồi tháng trước cũng cảnh báo rằng bất kỳ sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự nào của NATO ở Ukraine sẽ vượt qua một trong những "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Vladimir Putin.
Bộ trưởng Quốc Phòng Austin cho biết, "không có quốc gia thứ ba nào có quyền phủ quyết đối với các quyết định thành viên của NATO".
"Ukraine có quyền quyết định chính sách đối ngoại trong tương lai của mình và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ có thể làm điều đó mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài", ông nói.
Chấn Phong (Theo Reuters)