Mỹ cấp tập đưa chỉ huy quân sự tới biên giới Ba Lan-Ukraine
Mỹ đã gửi nhóm chỉ huy quân sự đầu tiên tới Ba Lan và dự kiến triển khai thêm gần 2.000 quân nhân tới quốc gia láng giềng của Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang.
Hãng tin Reuters ngày 5/2 (giờ địa phương) cho biết phi cơ quân sự chở theo một nhóm sĩ quan chỉ huy của Mỹ đã hạ cánh ở sân bay Rzeszow-Jasionka nằm phía Đông Nam Ba Lan. Đây là nhóm binh sĩ Mỹ đầu tiên được tăng cường đến quốc gia Đông Âu, trong bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang.
Hình ảnh do truyền thông địa phương đăng tải cùng thời điểm cho thấy một khu vực nhà dã chiến đang được xây dựng tại thị trấn Jasionka gần đó. Jasionka nằm cách biên giới Ukraine chưa đến 100km và cách thành phố Lviv lớn nhất của Ukraine khoảng 170km đường bộ.
Cùng ngày, quân đội Mỹ xác nhận chỉ huy Sư đoàn dù số 82, Thiếu tướng Lục quân Christopher Donahue, đã đến Ba Lan. Ba Lan cũng tuyên bố "những người đầu tiên của lữ đoàn chiến đấu thuộc Sư đoàn dù số 82 của Quân đội Mỹ đã đến Ba Lan".
Bước đi trên được tiến hành vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố điều thêm gần 3.000 binh sĩ tới Ba Lan và Romania để bảo vệ Đông Âu khỏi nguy cơ từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nguồn tin của Reuters nói rằng, khoảng 1.700 binh sĩ, chủ yếu là lính nhảy dù từ Sư đoàn dù số 82, sẽ triển khai từ căn cứ quân sự Fort Bragg, Bắc Carolina (Mỹ) đến Ba Lan trong những ngày tới.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, một nhóm khoảng 1.000 quân nhân Mỹ đóng tại thị trấn Vilseck của Đức cũng sẽ được cử đến Romania. Trước đó, các binh sĩ Mỹ thuộc Quân đoàn dù 18 đã đến Đức vào ngày 4/2.
Căng thẳng leo thang sau khi Mỹ và NATO nhất quyết cho rằng việc Nga tập trung hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới phía Tây là nhằm lên kế hoạch tấn công Ukraine. Nga nhiều lần bác bỏ thông tin này và khẳng định mọi động thái quân sự đều vì mục đích phòng thủ.
Tháng 12/2021, Nga đã đồng thời gửi 2 bản đề xuất an ninh lần lượt đến Mỹ và NATO, trong đó yêu cầu khối quân sự cam kết bằng văn bản về việc ngừng mở rộng về phía Đông và không kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, đề nghị của Nga bị khước từ.
Trong diễn biến liên quan, Reuters hôm 5/2 đã dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết Nga đã có khoảng 70% sức mạnh chiến đấu cần thiết để tấn công Ukraine. Các quan chức này cho rằng Moscow đang gửi thêm các nhóm tác chiến tới biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, họ không cung cấp bằng chứng về những đánh giá mới nhất của mình.
Bất chấp những cảnh báo và hành động có phần gấp gáp từ Mỹ xung quanh nguy cơ chiến sự Nga-Ukraine, chính quyền Ukraine và nhiều quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) nhận định khả năng sớm xảy ra một cuộc xung đột là rất thấp.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây chỉ trích việc một số lãnh đạo phương Tây mô tả khả năng sắp nổ ra chiến tranh giữa Nga-Ukraine đã khiến tình hình xấu đi và tạo ra "cơn hoảng loạn" ở nước này.