Mỹ cấp tập tìm cách giải cứu quân nhân vượt biên sang Triều Tiên

Washington tích cực liên lạc với Bình Nhưỡng và phối hợp cùng các đối tác để giải cứu một quân nhân Mỹ vượt biên mà có thể đã bị Triều Tiên bắt giữ.

Ngày 20-7, sau ba ngày kể từ khi một quân nhân Mỹ - binh nhì Travis T. King cố ý vượt biên sang Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn im lặng trước những nỗ lực liên lạc của Washington để trao đổi về vụ việc.

Nhiều điểm cần “giải mã”

Binh nhì King, 23 tuổi, nhập ngũ vào tháng 1-2021, thuộc lực lượng luân phiên Hàn Quốc, là một lực lượng trong cam kết an ninh của Mỹ đối với Hàn Quốc.

Vào ngày 17-7, binh nhì này được hộ tống tới sân bay để trở về Mỹ chịu án kỷ luật vì hành vi phá hoại của công, hành hung, gây gổ trong thời gian đồn trú ở Hàn Quốc. Sau khi được các quân nhân Mỹ hộ tống đến sân bay quốc tế Incheon ở thủ đô Seoul, binh nhì đã một mình đi qua khu vực an ninh.

Từ trước đến nay, chưa có người Mỹ nào bị Triều Tiên bắt giữ khi vượt biên vào Triều Tiên qua khu vực an ninh chung tại Bàn Môn Điếm, theo The New York Times. Trong trường hợp binh nhì King, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng người này đã cố tình vượt biên mà không được cho phép. Hiện giới chức Mỹ vẫn chưa rõ động cơ vượt biên của người này.

Tờ The Korea Times dẫn lời một quan chức đề nghị không nêu tên của sân bay Incheon cho biết King đã không lên máy bay như dự kiến. Binh sĩ này nói dối với người quản lý của hãng bay rằng hộ chiếu của mình bị mất và sau đó được một nhân viên của hãng đưa ra khỏi cửa khởi hành để trở lại nhà ga. Giới chức Mỹ từ chối bình luận về thông tin này vì vụ việc đang được làm rõ.

Sau đó, binh nhì King tham gia chuyến tham quan khu vực an ninh chung ở khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, thường được gọi là Bàn Môn Điếm. Một quan chức Mỹ cho biết các chuyến tham quan này được quảng cáo tại sân bay nhưng phải cần ít nhất 72 tiếng để sắp xếp do các quy định về an ninh. Như vậy, không rõ King đã đăng ký tham gia như thế nào mà được tới tham quan khu vực này ngay hôm sau, tức ngày 18-7.

Theo lời kể của các nhân chứng lúc ở khu phi quân sự, King đã lao sang đường biên giới quá nhanh và lính tuần tra ở đây không kịp bắt lại người này. Lần cuối cùng đoàn tham quan thấy King là binh sĩ này đã bị lính Triều Tiên bắt giữ, theo báo The New York Times.

“Chúng tôi nghe được tiếng cười ha ha và thấy một anh chàng đi cả ngày cùng đoàn chúng tôi chạy sang phía bên kia... Mọi người không phải mất nhiều thời gian để biết được điều gì đang xảy ra” - một nhân chứng chia sẻ trên Facebook.

Lính Hàn Quốc và Liên hợp quốc đứng gác gần đường phân cách Hàn Quốc và Triều Tiên tại khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm vào năm 2022. Ảnh: AFP

Lính Hàn Quốc và Liên hợp quốc đứng gác gần đường phân cách Hàn Quốc và Triều Tiên tại khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm vào năm 2022. Ảnh: AFP

Binh nhì Travis T. King mặc áo đen, đội mũ đen cùng đoàn tham quan khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm hôm 18-7. Ảnh: REUTERS

Binh nhì Travis T. King mặc áo đen, đội mũ đen cùng đoàn tham quan khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm hôm 18-7. Ảnh: REUTERS

Mỹ dốc lực giải cứu công dân

Tính đến cuối ngày 20-7, Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra phản hồi nào với Mỹ về vụ việc. Báo đài Triều Tiên, vốn trước đây hay đưa tin về việc nước này tạm giam công dân Mỹ, cho đến nay cũng im lặng.

Dù vậy, các cơ quan của Mỹ vẫn đang theo sát tình hình và tìm mọi cách liên lạc với Triều Tiên. Ngày 19-7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết vào ngày 18-7, Lầu Năm Góc đã liên hệ với các đối tác trong quân đội Triều Tiên về vụ việc và vẫn chưa nhận được phản hồi, theo hãng tin Reuters.

Ông Miller cũng nói rằng Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đang phối hợp để tìm hiểu thông tin về sức khỏe, nơi ở của King và nỗ lực để đưa người lính này trở về nhà an toàn. Cạnh đó, Mỹ cũng đang phối hợp với Thụy Điển - một kênh ngoại giao trung gian và Hàn Quốc để liên lạc với Triều Tiên về vụ việc.

Trước đó, ngày 18-7, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang thu thập thông tin về vụ việc và mối quan tâm chính là đảm bảo sức khỏe của cá nhân này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng nói rằng đang liên lạc với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc giám sát khu vực an ninh chung tại DMZ để giải quyết vụ việc nhưng không bình luận gì thêm.

Vào năm 2017, Mỹ cũng đã nỗ lực suốt hơn một năm để giải cứu một sinh viên của ĐH Virginia tên Otto Warmbier bị Triều Tiên kết án 15 năm lao động khổ sai vì cố gắng đánh cắp một tấm áp phích tuyên truyền ở một khách sạn tại Bình Nhưỡng.

Cụ thể, theo đài CNN, bắt đầu từ tháng 3-2016, Mỹ liên tục thúc giục Triều Tiên cho phép Thụy Điển tiếp cận lãnh sự đối với sinh viên Warmbier và ba công dân Mỹ khác để đẩy nhanh việc trả tự do cho những người này. Thời gian sau đó, Mỹ quyết tâm giải cứu công dân với việc tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump luôn theo sát tình và lệnh thực hiện mọi biện pháp nhằm đảm bảo người Mỹ được phóng thích.

Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6-2017, Mỹ đẩy nhanh tốc độ giải cứu khi biết tình trạng sức khỏe của Warmbier rất xấu. Lúc đó, các đại diện ngoại giao Mỹ và Triều Tiên gặp nhau nhiều lần, ở nhiều nơi như Na Uy, Mỹ, Triều Tiên để trao đổi về vấn đề thả người. Trong diễn biến tiếp theo, từ việc chỉ đồng ý cho đại diện ngoại giao Thụy Điển tiếp xúc với những người Mỹ bị giam giữ, Triều Tiên đã cho phép Warmbier, lúc đó đã rơi vào tình trạng hôn mê, trở về nước sau 17 tháng bị giam giữ. Đến năm 2018, trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã ân xá cho ba công dân Mỹ bị giam giữ cùng thời điểm với Warmbier.•

Tổng thống Hàn Quốc lên tàu ngầm hạt nhân Mỹ,
cảnh báo Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thăm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo USS Kentucky của Mỹ đang ghé thăm một căn cứ hải quân ở TP Busan (Hàn Quốc) và đưa ra cảnh báo rắn tới Triều Tiên, hãng thông tấn Yonhap ngày 19-7 đưa tin.

“Việc triển khai tàu USS Kentucky thể hiện rõ cam kết của Hàn Quốc và Mỹ trong việc triển khai thường xuyên các khí tài chiến lược của Mỹ và củng cố độ tin cậy của năng lực răn đe mở rộng” - ông Yoon phát biểu tại căn cứ Bộ Tư lệnh hạm đội Hàn Quốc tại TP Busan.

Ông Yoon nhấn mạnh Seoul và Washington sẽ đáp trả mạnh mẽ và kiên quyết trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng thông qua Nhóm tham vấn hạt nhân (NCG) và qua việc thường xuyên triển khai các khí tài chiến lược như tàu ngầm hạt nhân.

Trước đó, ngày 17-7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tàu USS Kentucky thuộc lớp Ohio nặng 18.750 tấn đã ghé cảng Busan. Đây là lần đầu một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ đến Hàn Quốc kể từ năm 1981.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-cap-tap-tim-cach-giai-cuu-quan-nhan-vuot-bien-sang-trieu-tien-post743297.html