Mỹ cho biết Nga có thể tấn công Ukraine 'bất cứ lúc nào', nhưng vẫn hy vọng vào ngoại giao
Hôm Chủ nhật (6/2), cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, Nga có thể tấn công Ukraine trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, nhưng ngoại giao vẫn có thể đem lại hy vọng.
“Nga sẽ tấn công theo nhiều cách”
Sullivan đưa ra bình luận trên sau khi hai quan chức Mỹ hôm thứ Bảy cho biết Nga, nước đã sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, đã huy động được khoảng 70% sức mạnh chiến đấu mà họ cho rằng cần thiết để thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan. Ảnh: RT
Khi dồn hơn 100.000 quân đến gần biên giới, Nga cho biết họ không lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược nhưng có thể thực hiện các hành động quân sự không xác định nếu các yêu cầu an ninh của họ không được đáp ứng.
Những đòi hỏi đó bao gồm lời hứa rằng NATO sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine, một yêu cầu mà Mỹ và liên minh an ninh của phương Tây gồm 30 quốc gia đã tuyên bố là không thể chấp nhận được.
Ông Sullivan cho biết thêm, các hành động quân sự mà Nga có thể tiến hành bao gồm việc sáp nhập khu vực Donbass của Ukraine, nơi có lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, các cuộc tấn công mạng hoặc một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Vị cố vấn an ninh Nhà Trắng cũng đã nói trên kênh ABC rằng: "Chúng tôi tin vào một khả năng rất rõ ràng là Vladimir Putin sẽ ra lệnh tấn công Ukraine. Nó có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể xảy ra ngay trong ngày mai, hoặc có thể trong vài tuần”.
Giải pháp ngoại giao và kinh tế
Ukraine, song song với việc tìm kiếm thêm viện trợ quân sự, cũng vẫn tìm cách xoa dịu nỗi lo về một cuộc xâm lược. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba hôm Chủ nhật kêu gọi mọi người bỏ qua "những lời tiên đoán về ngày tận thế".
Trong khi đó, Mỹ đã tuyên bố rằng họ sẽ không cử binh sĩ Mỹ đến bảo vệ Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của NATO. Tuy nhiên, Washington đã trao vũ khí cho Kiev và tuần trước cho biết họ sẽ gửi thêm gần 3.000 binh sĩ tới Ba Lan và Romania để bảo vệ Đông Âu.
Mỹ đang tăng cường quân đội đến các quốc gia Đông Âu và gửi vũ khí đến Ukraine để răn đe Nga không nên tấn công.
Một máy bay chở quân đội Mỹ đã hạ cánh xuống Ba Lan hôm Chủ nhật. Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1.700 quân nhân, chủ yếu thuộc Sư đoàn Dù số 82, cũng sẽ triển khai từ Bắc Carolina đến Ba Lan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang suy xét liệu có thể cần gửi thêm quân đến châu Âu hay không. Biden cũng đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm Chủ nhật trước chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Moscow để làm giảm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng.
Mỹ, cùng với các đồng minh, đã đe dọa trừng phạt kinh tế sâu rộng chống lại Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Chúng có thể bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính cũng như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu .
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo hôm Chủ nhật cho biết bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Putin và các nhà tài phiệt Nga do họ phụ thuộc vào châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Adeyemo cho biết rằng các tổ chức tài chính Nga hàng ngày thực hiện khoảng 46 tỷ USD giao dịch tài chính toàn cầu, với 80% bằng đồng USD. Đối tác thương mại lớn nhất của Nga là châu Âu, chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại.
Khi được hỏi liệu Nga có thể quay sang Trung Quốc hay không, Adeyemo nói Trung Quốc "không có quyền truy cập" vào các công nghệ quan trọng mà Nga có được từ Mỹ và các đồng minh.