Mỹ cho máy bay quân sự C-17 trục xuất hơn trăm người nhập cư về Ấn Độ
Ấn Độ là điểm đến xa nhất mà máy bay quân sự Mỹ từng chở trục xuất người nhập cư trái phép về nước dưới thời chính quyền ông Trump.
Sáng sớm 5-2, một máy bay quân sự C-17 của Mỹ chở một nhóm người di cư Ấn Độ đã hạ cánh xuống Amritsar, miền bắc Ấn Độ, một quan chức Bộ Giao thông Mỹ xác nhận với đài Fox News.
Theo viên chức Bộ Giao thông Mỹ, chiếc máy bay quân sự C-17 đã cất cánh từ khu dân cư Miramar, gần TP San Diego thuộc bang California (Mỹ) vào ngày 4-2. Chiếc máy bay chở từ 104 đến 205 công dân và đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đưa một máy bay quân sự chở trục xuất người nhập cư trái phép về Ấn Độ.
Đài CNN cũng dẫn lời một số quan chức từ tiểu bang Punjab của Ấn Độ xác nhận có ít nhất 104 công dân Ấn Độ đã bị trục xuất khỏi Mỹ vào đêm 4-2 trên chiếc máy bay quân sự C-17. Các quan chức bang Punjab cho biết máy bay quân sự C-17 chở những người di cư chủ yếu từ các bang Gujarat, Maharashtra và Punjab của Ấn Độ.
Theo Fox News, Ấn Độ là điểm đến xa nhất mà máy bay quân sự Mỹ từng chở trục xuất người nhập cư trái phép về nước dưới thời chính quyền ông Trump.
Diễn biến này nằm trong chủ trương trục xuất người nhập cư trái phép của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), có khoảng 725.000 người Ấn Độ cư trú bất hợp pháp tại Mỹ kể từ năm 2022 và Ấn Độ trở thành nguồn nhập cư bất hợp pháp lớn thứ ba vào Mỹ sau Mexico và El Salvador.
CNN dẫn dữ liệu chính phủ Mỹ cho thấy chỉ trong bốn năm số lượng công dân Ấn Độ nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ đã tăng đột biến — từ 8.027 trong năm tài chính 2018 đến 2019 lên 96.917 trong giai đoạn 2022 đến 2023.
Công dân Ấn Độ thường đến Mỹ thông qua thị thực H-1B, một loại thị thực lao động nước ngoài cho phép các chủ lao động Mỹ thuê lao động nước ngoài. Con đường nhập cảnh hợp pháp này đã bị một số người ủng hộ ông Trump phản đối gay gắt.
Những người trẻ Ấn Độ tìm kiếm cơ hội việc làm chiếm một phần đáng kể trong số những người di cư không có giấy tờ tại Mỹ. Nhiều người trong số họ đã và vẫn đang thực hiện các chuyến đi nguy hiểm qua châu Mỹ Latinh để đến biên giới phía Nam của Mỹ. Theo giới chức trách Ấn Độ, tình trạng thất nghiệp đang khiến những người trẻ tuổi phải chọn lửa rời bỏ quê hương.
Trước khi diễn biến trục xuất diễn ra, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Trump đã thảo luận nhiều về vấn đề nhập cư kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã bác bỏ những lo ngại về vấn đề nhập cư sau khi có "cuộc gọi hiệu quả" giữa ông với ông Modi vào tháng trước tập trung vào việc "mở rộng và tăng cường hợp tác".
"Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Ấn Độ" – ông Trump nói với các phóng viên trên Không lực Một sau cuộc điện đàm với ông Modi, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng Ấn Độ sẽ "làm điều đúng đắn".
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố ý định tiếp nhận lại công dân bị trục xuất. Song các nhà lãnh đạo các địa phương đang kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tận gốc vấn đề. Họ cũng đề nghị Thủ tướng Modi ngồi lại với Tổng thống Trump và tìm ra giải pháp.
Nhà Trắng xác nhận rằng ông Trump đã mời ông Modi đến thăm vào tuần tới.
CNN dẫn lời bạn bè và người thân của một số người bị trục xuất về những khó khăn mà họ phải đối mặt để đến được Mỹ, thậm chí nhiều người chỉ để rồi bị trục xuất ngay sau khi đến nơi.
Manriasat Singh, người có người anh họ 23 tuổi là Akashdeep Singh nằm trong số những người trên chuyến bay trục xuất, nói với CNN rằng Akashdeep "có vẻ rất tệ".
Akashdeep đã lên đường đi đến Mỹ cách đây 7 tháng, chi gần 60.000 USD cho chuyến đi mà cha anh phải bán 2/3 đất đai để có tiền.
Ngay sau khi Akashdeep đến Mỹ vào tháng 1, anh đã bị giam giữ và trục xuất khỏi đó. "Bố mẹ anh ấy vui mừng vì anh ấy không phải ngồi tù 10 năm và đang trở về. Ít nhất thì anh ấy vẫn còn sống" - Manriasat nói với CNN.