3 năm xung đột Nga - Ukraine: Cánh cửa hòa bình đang hé mở?
Tròn 3 năm kể từ ngày bắt đầu chiến sự tại Ukraine, với nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là sự xoay trục của Mỹ, liệu ánh sáng hòa bình có sớm chiếu đến Ukraine?

Quang cảnh nhìn từ công viên Vladimirskaya Gorka tại Thủ đô Kyiv (Ukraine). Ảnh: Shutterstock.
Ba năm trước, vào rạng sáng ngày 24/2/2022, Nga chính thức phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào Ukraine - nước láng giềng lớn nhất ở phía Tây, mở ra cuộc xung đột khốc liệt nhất châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh.
Sau hơn 1.000 ngày xung đột triền miên tưởng không hồi kết, việc Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng cùng những động thái mạnh mẽ và táo bạo, bức tranh địa chính trị có thể bước sang một trang khác, báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nhìn lại 3 năm xung đột
Theo báo cáo mới nhất từ Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), tính đến đầu năm 2025, cuộc xung đột đã khiến hơn 10.000 thường dân thiệt mạng, khoảng 30.000 người bị thương và gần 6 triệu người phải rời bỏ quê hương.
Các số liệu lạm phát được công bố từ cả hai phía biên giới cho thấy tác động nặng nề mà cuộc xung đột đã gây ra cho người dân hai nước. Giá cả tiếp tục leo thang, với mức tăng 9,5% tại Nga và 12% tại Ukraine, The Guardian cho biết.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga từng giảm xuống -1,3% khi xung đột bùng nổ nhưng đã phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng 3,6% trong 2 năm liên tiếp.
Trong khi đó, Ukraine chịu tổn thất nghiêm trọng hơn khi GDP sụt giảm tới 36% vào mùa hè năm 2022, trước khi kết thúc năm với mức giảm 28,3%. Tuy nhiên, nền kinh tế Ukraine đã dần lấy lại đà tăng trưởng, đạt 5,3% vào năm 2023 và dự kiến tăng 3% vào năm 2024.

Biểu đồ GDP của Nga (số liệu từ Rosstat) và GDP của Ukraine (số liệu từ Cơ quan Thống kê Ukraine) giai đoạn 2021-2024. Biểu đồ: The Guardian.
Không chỉ dừng lại trong biên giới hai nước, cuộc xung đột Nga - Ukraine còn gây ra tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Về kinh tế, theo Ngân hàng Thế giới, chiến sự đã đẩy lạm phát toàn cầu lên mức 8-10%, làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực, khiến thương mại quốc tế sụt giảm 15%.
Trong khi đó, tình hình châu Âu cũng trở nên xấu hơn so với năm 2022. Khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đồng thời NATO tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, với Đức, Ba Lan và Bulgaria nâng ngân sách quân sự lên đến 30-40%.
Dù vậy, việc hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng vẫn chưa đồng đều giữa các nước trong khối. Hậu quả kinh tế từ đại dịch COVID-19 khiến việc gia tăng ngân sách quân sự trở thành một bài toán khó đối với nhiều quốc gia.
Về quan hệ quốc tế, cuộc xung đột đã khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây chạm đáy, tạo ra sự phân hóa rõ rệt trong các liên minh địa chính trị. Trong khi đó, Trung Quốc củng cố quan hệ chiến lược với Nga, nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD lần đầu tiên trong năm 2024.
Ở châu Á, Ấn Độ tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng, còn ASEAN theo dõi sát sao tình hình với những lo ngại không nhỏ về tác động tiềm tàng đến Biển Đông.
Sự xoay trục của Washington và hy vọng le lói
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ "giải quyết cuộc chiến Ukraine trong vòng 24 giờ". Ngay khi trở lại Nhà Trắng, ông đã nhanh chóng thực hiện những bước đi táo bạo, cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột kéo dài này.
Những động thái của ông Trump bất ngờ tạo ra bước ngoặt, khiến Ukraine và châu Âu rơi vào thế bị động. Nhiều quốc gia đồng minh không khỏi lo lắng trước những tín hiệu đảo chiều trong chính sách của Mỹ.
Tại cuộc họp Liên Hợp Quốc ngày 21/2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Washington đã đệ trình một kiến nghị riêng về cuộc xung đột, thay vì đồng thuận với dự thảo của Ukraine và châu Âu.
Điều đáng chú ý là, lần đầu tiên, trong một văn bản quốc tế chính thức, Mỹ chỉ kêu gọi "chấm dứt nhanh chóng" xung đột mà không đề cập đến yêu cầu Nga rút quân hay tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Đây được xem là một tín hiệu rõ ràng về sự thay đổi trong lập trường của Washington.
Không chỉ vậy, Mỹ còn từ chối làm đồng tác giả dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, vốn nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine và lên án Nga nhân kỷ niệm 3 năm cuộc chiến.
Reuters đã mô tả quyết định rút lại sự ủng hộ đối với dự thảo văn kiện của Mỹ là "sự thay đổi đột ngột của đồng minh mạnh nhất của Ukraine". Trước đây, Washington luôn tích cực hậu thuẫn các nghị quyết tương tự để "đảm bảo một nền hòa bình công bằng" cho Ukraine, nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi “180 độ”.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ vào năm 2022, Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho Ukraine, với số tiền viện trợ khoảng 95 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ quân sự, nhân đạo và tài chính. Tuy nhiên, dưới thời Trump, các khoản viện trợ này có nguy cơ bị cắt giảm đáng kể, theo CNN.

Mỹ chiếm gần một nửa viện trợ quân sự của các nước cho Ukraine (tính từ 24/1/2022 đến 31/10/2024). Biểu đồ: CNN.
Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ rót tiền vào Ukraine trong suốt chiến dịch tranh cử. Mới đây, ông thậm chí đề xuất rằng Ukraine có thể trao đổi khoáng sản đất hiếm để đổi lấy viện trợ từ Mỹ, song ý tưởng này đã bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ thẳng thừng.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, chính quyền Trump còn thực hiện nhiều hành động cụ thể như đình chỉ hoạt động của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) và đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài.
Điều này đã khiến nhiều tổ chức phi chính phủ tại Ukraine rơi vào tình trạng khó khăn, buộc phải cắt giảm nhân sự và đình chỉ một số chương trình quan trọng như hỗ trợ tâm lý, phát hiện HIV... Trong suốt 3 năm qua, Ukraine là nước nhận viện trợ nhiều nhất từ USAID, nên sự thay đổi này có thể tác động nghiêm trọng đến quốc gia này.
Dù nhiều chính sách chưa được cụ thể hóa nhưng việc cả Nga và Ukraine đều thể hiện mong muốn đàm phán hòa bình trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mở ra những hy vọng sớm có giải pháp cho cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy cả hai đồng thuận rằng một thỏa thuận dài hạn có thể đạt được thông qua đàm phán.
Trong khi đó, sau cuộc trao đổi với ông Trump, Tổng thống Zelensky cũng khẳng định Ukraine mong muốn hòa bình hơn bất kỳ ai. Thậm chí, hồi đầu tháng 2/2025, Ukraine đã chủ động đề xuất một cơ chế đàm phán hòa bình với Nga.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, các động thái chuẩn bị cho đàm phán đã bắt đầu được triển khai. Điện Kremlin xác nhận rằng Nga đã thành lập một phái đoàn đàm phán với Mỹ, trong đó có nội dung về giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Về phía Mỹ, ông Trump đã nhanh chóng thành lập một nhóm đàm phán gồm nhiều quan chức cấp cao như Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc CIA John Ratcliffe, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và Đặc phái viên Steve Witkoff. Cuộc gặp gỡ đầu tiên là ở Saudi Arabia vào ngày 18/2 và dự kiến cuộc gặp thứ hai sẽ diễn ra tại một nước thứ ba trong thời gian tới.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud (thứ 4, trái), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải), Cố vấn của Tổng thống Nga về chính sách đối ngoại Yuri Ushakov (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Mỹ Marco Antonio Rubio (thứ 2, trái), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz (thứ 3, trái) và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff (trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh (Saudi Arabia) ngày 18/2. Ảnh: Reuters.
Song song với đó, một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại Ukraine cũng đang được hơn 10 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc soạn thảo, dự kiến được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 24/2. Đây là một tín hiệu tích cực khi xung đột đã kéo dài gần 4 năm mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo The Moscow Times, hai nước Nga - Mỹ đã đề xuất một kế hoạch chấm dứt xung đột với 3 giai đoạn: ngừng bắn, tổ chức bầu cử ở Ukraine và sau đó ký kết một thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao của Nga và Mỹ lại chưa xác thực kế hoạch này.
Dù vậy, chuyên gia Vladimir Zharikhin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga chia sẻ với hãng thông tấn Tass, tại thời điểm này, lập trường của Nga và Mỹ vẫn còn khoảng cách rất xa.
Một trong những điểm mâu thuẫn lớn là trình tự giải quyết xung đột: Nga muốn Ukraine phải tiến hành bầu cử trước khi đàm phán ngừng bắn, trong khi Mỹ lại muốn quy trình ngược lại.
Bên cạnh đó, vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine vẫn là rào cản lớn nhất. Nga khẳng định Ukraine phải cam kết trung lập, nếu không thì sẽ không thể có bất kỳ giải pháp hòa bình nào.
Trong khi đó, Ukraine vẫn xem việc gia nhập NATO là mục tiêu chiến lược hàng đầu. Ông Zelensky chỉ đồng ý từ bỏ mục tiêu này nếu nhận được đảm bảo an ninh vững chắc từ phương Tây, bao gồm vũ khí hiện đại, hỗ trợ tài chính, tư cách thành viên EU và những cam kết tương tự như những gì phương Tây dành cho Israel. Tuy nhiên, đây lại là "ranh giới đỏ" mà Nga không thể chấp nhận.
Những kịch bản tươi sáng
Dù rất tự tin về khả năng chấm dứt xung đột, con đường mà ông Donald Trump đang theo đuổi vẫn còn nhiều ẩn số. Bloomberg cho rằng những nét chính của một thỏa thuận tiềm năng đang dần lộ diện với ba kịch bản có thể định hình tương lai an ninh châu Âu và số phận Ukraine.
Kịch bản có khả năng cao nhất là các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ tiếp tục ở trong tình trạng “lấp lửng” dưới sự kiểm soát thực tế của Nga trong tương lai gần.
Một số khu vực có thể được trao đổi giữa hai bên, chẳng hạn như lãnh thổ thuộc vùng Kursk của Nga mà Ukraine đã giành lại. Đổi lại, Kyiv có thể nhận được một số bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, mức độ cam kết của các bên sẽ là vấn đề cốt lõi trong quá trình đàm phán.
Trong bối cảnh khả năng Ukraine gia nhập NATO vẫn còn xa vời, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được đều phụ thuộc vào lập trường của các nhà lãnh đạo tương lai. Nếu châu Âu có thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trump, họ có thể thuyết phục Washington tiếp tục hỗ trợ Ukraine đủ lâu để EU có thể tự tăng cường năng lực phòng thủ. Điều này rõ ràng có lợi cho Nga và cũng nhận được sự tán thành từ chính quyền Trump 2.0.
Một phương án khác là đóng băng xung đột, thiết lập một vùng an ninh toàn diện cho Kyiv. Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu phải tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng, với mức chi phí dự kiến lên tới 3.100 tỷ USD trong 10 năm tới.
Một kịch bản khác là Mỹ hoàn toàn rút khỏi cuộc xung đột, để châu Âu tự xoay sở trong việc lấp đầy khoảng trống an ninh và tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ phải đối mặt với một nước Nga ngày càng mạnh lên, trong khi EU phải căng mình tìm kiếm giải pháp thay thế cho sự hỗ trợ từ Washington.
Mặc dù đây chưa phải là kịch bản kết thúc chiến sự, nó hoàn toàn có thể xảy ra nếu chính quyền Trump quyết định ưu tiên các vấn đề nội bộ và giảm sự can dự vào châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng không nên đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine mà không có Kyiv và châu Âu trong phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2. Ảnh: Reuters.
Dẫu vậy, trong con mắt của châu Âu, những động thái xoay trục của Washington là tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng bỏ qua các đồng minh châu Âu và nhượng bộ Moscow quá sớm. Vì thế, châu Âu sẽ không có ý định khuất phục để bị đẩy ra ngoài rìa trong các cuộc đàm phán về hòa bình ở Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp với các ngoại trưởng đồng minh tại Paris, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot khẳng định: "Không thể có một nền hòa bình thực sự cho Ukraine nếu không có sự tham gia của châu Âu".
Ông cũng nhấn mạnh rằng dù Ukraine chưa thể gia nhập NATO ngay lập tức, châu Âu vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cho Kyiv.
Đúng vào thời điểm tròn ba năm xung đột, ít nhất thế giới cuối cùng cũng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tuy nhiên, để đạt được một thỏa thuận hòa bình vẫn còn là chặng đường đầy gian nan. Với những khác biệt lớn về lập trường giữa Nga và Ukraine, cộng thêm những toan tính riêng của Mỹ và châu Âu, quá trình đàm phán sẽ không dễ dàng.