Mỹ cho phép Israel bán vũ khí đánh chặn đạn đạo cho Phần Lan
Israel đã chính thức nhận được sự đồng ý của Mỹ về việc xuất khẩu hệ thống đánh chặn tầm trung David's Sling cho thành viên mới nhất của NATO.
Ngày 3/8, Bộ Quốc phòng Israel thông báo đã nhận được sự đồng ý từ Chính phủ Mỹ về thương vụ bán hệ thống David's Sling cho Phần Lan.
"Ngay khi có sự chấp thuận từ Mỹ, Bộ Quốc phòng Israel, Bộ Quốc phòng Phần Lan và nhà thầu Rafael Advanced Systems đã sẵn sàng tham gia buổi lễ ký hợp đồng mua sắm trị giá khoảng 316 triệu Euro", thông báo của Bộ Quốc phòng Israel cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng cho biết: "Hôm nay, việc chính phủ Mỹ cấp phép bán David's Sling, một hệ thống do Israel và Mỹ đồng phát triển, đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc hiện thực hóa thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Phần Lan.
Nhờ những công nghệ đột phá được phát triển bởi những bộ óc thông minh nhất của ngành công nghiệp quốc phòng như David's Sling, chúng ta có thể củng cố mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới, tăng cường an ninh và nâng cao vị thế toàn cầu của Israel.
Tôi muốn cảm ơn chính phủ Phần Lan và đồng nghiệp của tôi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phần Lan, ông Antti Hakkanen, vì sự tin tưởng của họ đối với cơ sở và ngành công nghiệp quốc phòng của Israel.
Tôi tin tưởng rằng thỏa thuận này sẽ tạo thành một cột mốc mới trong sự hợp tác giữa các nước chúng ta nhằm cải thiện khả năng ứng phó của chúng ta trước các mối đe dọa toàn cầu và khu vực.
Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới người đồng nghiệp đáng kính của tôi, Tướng Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và chính quyền Mỹ vì sự hỗ trợ của họ trong thỏa thuận quan trọng này".
Theo thỏa thuận mua sắm, Israel sẽ bán Hệ thống vũ khí David's Sling cho Phần Lan, bao gồm các tên lửa đánh chặn do Israel-Mỹ cùng sản xuất, các bệ phóng tên lửa và hệ thống radar do Israel sản xuất.
Phiên bản Phần Lan của hệ thống sẽ được các ngành công nghiệp của Israel và Mỹ, dẫn đầu là Rafael Advanced Systems và Raytheon Technologies Cooperation, hợp tác với các ngành công nghiệp Phần Lan, mỗi bên đóng góp vào các nhiệm vụ cụ thể.
Hệ thống này sẽ được tích hợp vào các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Phần Lan.
Quyết định mua sắm khiến Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Israel sở hữu hệ thống David's Sling. Chưa rõ số lượng tổ hợp được đặt hàng và thời gian chuyển giao. Thương vụ cũng cần sự phê chuẩn từ Mỹ vì hãng Raytheon tham gia sản xuất.
Theo Army Recognition, sức mạnh của tổ hợp David’s Sling nằm ở tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hai giai đoạn Stunner, có khả năng đánh chặn các loại rocket hay tên lửa đạn đạo chiến thuật trong cự ly 40-300 km ở trần bay lên tới 75km.
Cùng với đó, David’s Sling còn có thể đánh chặn máy bay, phương tiện bay không người lái. Tại Israel, tổ hợp đánh chặn mới này được phát triển để tăng cường lớp phòng thủ thứ hai trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Tel Aviv.
Điều này sẽ tạo thành một cấp độ trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng trong tương lai của Israel, bao gồm Arrow 2, Arrow 3, Iron Dome, Baraku 8 và Iron Beam từ đầu năm 2020.
Tại Phần Lan, David’s Sling sẽ là thành phần chính trong lưới lửa phòng thủ quốc gia trước nguy cơ đến từ kho tên lửa khổng lồ của Nga sau khi Helsinki chính thức gia nhập NATO.
Phòng không Israel sử dụng hệ thống David’s Sling lần đầu tiên vào tháng 7/2018 khi bắn hạ hai tên lửa đất đối đất của Syria. Mỗi quả tên lửa đánh chặn trị giá khoảng 1 triệu USD.
Và cũng chính trong lần đầu thực chiến của David’s Sling, một quả Stunner rơi xuống Syria trong tình trạng gần như nguyên vẹn. Với nguyên mẫu tên lửa Stunner đã tham gia chiến đấu, các chuyên gia Nga có thể phân tích các đặc điểm chiến đấu của nó.
Từ những kinh nghiệm thu được có thể hoàn thiện các loại vũ khí tấn công và phòng thủ tương lai của Nga.
Tờ Army Recognition cho rằng, nếu thông tin Nga sở hữu tên lửa đánh chặn Stunner là thật thì rất có thể Moscow đã có cách làm giảm hiệu quả chiến đấu của tổ hợp David’s Sling do bất kỳ lực lượng nào vận hành.